Kinh tế toàn cầu tăng tốc
Trung Quốc hồi phục sau mở cửa, hoạt động kinh doanh tại Mỹ – Âu tăng tốc.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 4,5% trong quý I, cao hơn mức dự báo là 4% của WSJ. Vào quý IV/2022 – tức trưởng khi mở cửa, GRP nước này chỉ tăng 2,2%.
Ba tháng đầu năm, kinh tế Trung Quốc đi lên nhờ người tiêu dùng bắt đầu mua sắm, ăn uống và đi du lịch trở lại sau gần ba năm bị hạn chế nghiêm ngặt. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng xuất khẩu bất ngờ trong tháng 3.
Trung Quốc mở cửa trở lại là một điểm sáng trong triển vọng với nền kinh tế toàn cầu. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết nước này có khả năng đóng góp khoảng một phần ba tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay. IMF kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% vào năm 2023. Sự phục hồi sẽ lan tỏa lợi ích cho các đối tác thương mại, nhà sản xuất năng lượng và các điểm đến du lịch.
Trong khi đó, tại phương Tây, các nền kinh tế tiên tiến đang chứng kiến đà cải thiện. Tháng này, hoạt động kinh doanh của Mỹ và châu Âu đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng một năm. Đây là động lực thúc đẩy cho nền kinh tế toàn cầu tăng tốc nhưng đồng thời cũng làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho biết sản lượng sản xuất và dịch vụ của Mỹ đều tăng tốc trong tháng 4, với PMI tổng hợp đạt 53,5 – mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 và là tháng thứ 3 liên tiếp duy trì trên 50, mốc phản ánh diễn biến tích cực và mở rộng.
“Kỳ vọng kinh doanh của các công ty Mỹ vẫn lạc quan trong suốt tháng 4, với mức độ tin tưởng vào triển vọng năm tới tăng lên cao thứ hai kể từ tháng 5/2022”, S&P Global cho biết. Số lượng đơn đặt hàng mới đạt mức cao nhất kể từ tháng 5.
Việc làm tăng trưởng, kèm theo đó là giá trung bình tính cho hàng hóa và dịch vụ cũng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 9/2022. Các nhà kinh tế của JPMorgan ước tính tăng trưởng Mỹ trên cơ sở hàng năm là 3,3% trong quý I. Ngày 27/4 tới, Bộ Thương mại sẽ công bố ước tính GDP.
Tại châu Âu, các cuộc khảo sát của S&P Global ghi nhận nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong tháng này. PMI đạt 54,4 trong tháng 4 – cao nhất 11 tháng qua, tăng từ mức 53,7 trong tháng 3. Với việc giá năng lượng giảm sau một mùa đông ôn hòa hơn thường lệ, nền kinh tế khu vực đồng euro trên đà phục hồi nhờ gia tăng chi tiêu hộ gia đình và sản lượng của nhà máy. Các nhà kinh tế của JPMorgan ước tính nền kinh tế eurozone tăng trưởng 1% quý I.
Ariane Curtis, nhà kinh tế tại Capital Economics, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục cho thấy áp lực của lãi suất tăng vẫn chưa hạ nhiệt được nền kinh tế. WSJ cho hay, các ngân hàng trung ương cả hai bờ Đại Tây Dương có ý định tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm xuống.
Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống 5% trong tháng 3, mức thấp nhất trong gần hai năm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Các quan chức Fed cho biết họ còn nhiều việc phải làm để giảm lạm phát, phát tín hiệu về một đợt tăng lãi nữa tại cuộc họp sau hai tuần tới.
Ở eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang trên đà tăng lãi suất cơ bản vào tháng 5. Ngân hàng Trung ương Anh cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản cuối tháng sau. Đây là kết quả việc lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cao hơn gấp ba lần mục tiêu và lạm phát Anh vẫn ở mức hai con số vào tháng 3. “Kết quả PMI liên tục mạnh mẽ rõ ràng là lý do để các ngân hàng trung ương chọn tăng thêm lãi suất”, Franziska Palmas, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết.
Một số nhà kinh tế lo ngại việc tăng lãi suất hơn nữa có nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng của châu Âu, tạo ra một vòng luẩn quẩn bất lợi cho nền kinh tế của khu vực. “Với bất kỳ lần tăng lãi suất nào nữa, rủi ro sẽ tăng lên”, Carsten Brzeski, nhà kinh tế tại Ngân hàng ING nói.
Trong khi đóng góp của phương Tây vào tăng trưởng toàn cầu cả năm nay có rủi ro bởi các ý định tiếp tục tăng lãi suất thì Trung Quốc cũng không hoàn toàn vững chắc. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nước này sẽ không tiếp tục đóng vai trò tương tự như những gì họ đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Khi ấy, các biện pháp kích thích khổng lồ của Trung Quốc đã kéo nền kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng suy thoái sâu sắc.
Louise Loo, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Oxford Economics chi nhánh Singapore, cho rằng bản chất phục hồi của Trung Quốc trong năm nay là do người tiêu dùng dẫn dắt. Điều này có nghĩa nó mang đến tác động nội địa nhiều hơn quốc tế. “Bất kỳ ai đang trông Trung Quốc cứu nền kinh tế toàn cầu năm nay có thể hơi thất vọng”, bà nói.
Các nhà kinh tế nói rằng có những lý do để thận trọng về độ bền của sự phục hồi của Trung Quốc. Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác cắt giảm chi tiêu. Nền kinh tế trong nước vẫn còn vật lộn với lĩnh vực bất động sản yếu kém và nợ của chính quyền địa phương cao.
Tiêu dùng của nước này có thể yếu đi nếu các hộ gia đình không nhận thấy những cải thiện trong thị trường lao động. “Nền tảng phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc”, Fu Linghui, Phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc xác nhận.
Tỷ lệ thất nghiệp thành thị tại Trung Quốc đã giảm xuống 5,3% trong tháng 3, từ mức 5,6% trong tháng 2. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (16 đến 24 tuổi) đã tăng tháng thứ ba liên tiếp, từ 18,1% trong tháng 2 lên 19,6% hồi tháng trước.
Phiên An (theo WSJ)