Các khu đô thị hàng đầu TP.HCM dẫn dắt xu hướng người mua nhà
Bất động sản, các khu đô thị lớn vừa có vai trò tiên phong, mở đường cho sự phát triển hạ tầng của một khu vực, vừa là yếu tố giúp BĐS nơi đó gia tăng giá trị.
Phát triển ở đâu, giá đất tăng ở đó
Hầu hết các KĐT kiểu mẫu đều bắt nguồn từ những khu vực hoang sơ nhất, việc bỏ công đầu tư trong thời gian dài để phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho cư dân mà còn kéo theo giá trị BĐS quanh khu vực tăng trưởng.
Tác động của mô hình phát triển KĐT đến thị trường BĐS TP.HCM thể hiện rõ nhất phải kể đến KĐT Phú Mỹ Hưng đối với bất động sản khu Nam. Tương tự, một cái tên khác đang dẫn dắt thị trường BĐS phía Đông Bắc TP.HCM là KĐT Vạn Phúc City của Tập đoàn Đại Phúc. Vạn Phúc City là một trong số ít đại đô thị hiếm hoi ở TP.HCM được triển khai trên một bán đảo với 3 mặt tiền sông. Đây là dự án quy mô gần 200 ha triển khai ngay vị trí cửa ngõ Đông Bắc thành phố.
Thời điểm dự án công bố ra thị trường vào năm 2014, giá đất quanh khu vực Hiệp Bình Phước dao động từ 6-10 triệu/m2. Mức giá chủ đầu tư công bố khi mở bán là 16-18 triệu/m2, cao hơn khá nhiều so với mức giá chung khu vực. Tuy nhiên sau 1 năm, giá sang nhượng nhà đất trong KĐT này vọt lên 22-28 triệu/m2. Giao dịch đất thổ cư, đất nền tự do quanh dự án cũng sôi động hẳn với giá tăng từ 30-40%.
Đến nay, sau 5 năm triển khai dự án, giá BĐS tại KĐT Vạn Phúc cũng nâng lên tầm mới, gấp 3-4 lần so với giá BĐS thời điểm 2014. Cụ thể, giá các nền đất trong KĐT này từ khởi điểm 16 triệu/m2 hiện tăng gấp 5 lần, vào khoảng 90-150 triệu/m2. Giá nhà đất quanh dự án, thuộc các tuyến đường chính phường Hiệp Bình Phước rơi vào khoảng 70-120 triệu/m2, tuyến hẻm sâu cũng có giá từ 35-60 triệu/m2.
Làm thay đổi thị hiếu người mua nhà
Xu hướng phát triển các KĐT quy mô lớn được xem là tất yếu, phù hợp với sự thay đổi hành vi sở hữu BĐS của người mua nhà trong những năm gần đây. Thay vì tìm mua sản phẩm nhà đất tự do, các dự án riêng lẻ, quy mô nhỏ, tự phát với tiện ích nội khu hạn chế, thiếu sự đồng bộ dịch vụ, vài năm trở lại đây người mua nhà và cả giới đầu tư ngày càng thích tìm mua nhà đất trong các khu đô thị quy mô lớn, được phát triển hệ thống tiện ích, dịch vụ bài bản, có thương hiệu và xây dựng chất lượng.
Sự thay đổi này không chỉ tác động đến hướng phát triển của thị trường BĐS các thành phố lớn mà còn lan ra các tỉnh. Ngoài TP.HCM, xu hướng phát triển đô thị khép kín quy chuẩn đang xuất hiện ở các tỉnh lân cận. Chẳng hạn, thị trường BĐS Long An liên tục tăng nhiệt trong 2 năm trở lại đây bên cạnh hạ tầng kết nối với TP.HCM.
Năm 2019 Tập đoàn Bất động sản Đại Phúc đầu tư 2.000 tỷ cho các hạng mục tiện ích, trong ảnh là trường Quốc tế Song ngữ Emasi – Ảnh: ĐP
Việc tập trung triển khai các khu đô thị lớn ngoài vùng nội thành bên cạnh phục vụ mục đích giãn dân còn góp phần hình thành các khu dân cư sống quy chuẩn, hạn chế lãng phí đất do phát triển các dự án tự phát, rời rạc, thiếu tiện ích sống. Khi các KĐT hình thành, nhà nước cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông kết nối giữa các KĐT với trung tâm. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, giao thông tốt cũng là nguyên nhân khiến nhà đất tại các KĐT hấp dẫn người mua hơn.
Theo bà Hương Nguyễn – TGĐ Đại Phúc Land, để thu hút được người dân đổ về các KĐT sinh sống, ngay từ khi triển khai, doanh nghiệp phải mạnh tay đầu tư quy hoạch hạ tầng dịch vụ. Dù phát triển dự án BĐS ở khu vực nào thì quan trọng nhất là chủ đầu tư phải có tầm nhìn, phát triển được hệ sinh thái cộng hưởng, các công trình thiết thực, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, sống tiện ích của cư dân mới thu hút người vào ở thực. Đó cũng là yếu tố chính giúp mô hình KĐT thành công trên thị trường BĐS.
Ánh Dương
Theo Trí thức trẻ