Chi tiết đường vành đai 4 qua Bình Dương, vốn đầu tư hơn 18 nghìn tỷ đồng
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành, dự án đường Vành đai 4 TPHCM qua địa phương này được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (PPP). Vành đai 4 sẽ đi sẽ qua nhiều trục đường của tỉnh Bình Dương, mức đầu tư gần 18.300 tỷ đồng, thu hồi gần 420ha đất.
Ngày 8/6, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng ký, ban hành Nghị quyết số 09 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM. Theo đó, dự án Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) đầu tư theo phương thức PPP.
Dự kiến hướng tuyến theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch chi tiết và hành lang quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2022.
Cụ thể, điểm đầu tuyến: tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TPHCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên). Điểm cuối tuyến: tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây (thị xã Bến Cát). Tổng chiều dài dự án đoạn qua Bình Dương khoảng 47,85km.
Từ điểm đầu tuyến tại đầu cầu Thủ Biên, hướng tuyến cơ bản bám theo tuyến đường Thủ Biên – Đất Cuốc hiện tại, giao với đường ĐH 411, tuyến phóng mới đi qua Khu Công nghiệp Vsip 3, giao cắt với đường ĐT 747 tại phường Hội Nghĩa (TP Tân Uyên), giao với đường cao tốc TPHCM – Chơn Thành, giao với đường ĐT 742 tại vị trí nút giao hiện hữu, đi trùng với đường số 17 (KCN Vsip 2A), tuyến tiếp tục phóng mới giao khác mức với đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, giao với đường ĐT 741 tại phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát) kết nối với đường Vành đai 4 TPHCM hiện hữu đến cầu Thới An, theo đường giao thông hiện hữu đến đường ĐT 748 và phóng mới giao với đường ĐT 744 tại xã An Tây (thị xã Bến Cát) phóng mới theo quy hoạch đến sông Sài Gòn tại vị trí cầu Phú Thuận. Quy mô dự án đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; công trình giao thông cấp 1.
Về giải phóng mặt bằng: thực hiện hoàn chỉnh với quy mô 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74,5m cho những đoạn từ Đất Cuốc (đường ĐH 411) – KCN Vsip 2A, đoạn từ cầu Thới An – sông Sài Gòn và các nút giao. Riêng đoạn nối Khu công nghiệp Vsip 2A – Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 giải phóng mặt bằng với quy mô 62m; đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc (kể cả nút giao cầu Thủ Biên phía Bình Dương) đã thực hiện trong dự án khác, không tính trong dự án này.
Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương đầu tư quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục; riêng đoạn từ đường ĐT 742 đến cầu Thới An giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (quy mô 62m, 10 làn xe), đoạn từ Khu công nghiệp Vsip 2A – Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đầu tư đồng bộ theo quy mô 62m, 10 làn xe. Đầu tư phân bổ các nút giao liên thông, trực thông và xây dựng đường song hành 2 bên tuyến đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của tuyến cao tốc và kết nối giao thông khu vực, phù hợp theo tình hình phát triển của địa phương. Sử dụng cầu vượt ngang hoặc hầm chui phù hợp điều kiện dự án.
Bình Dương sẽ đầu tư 2 tuyến đường nhánh kết nối vào Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương (đường Lê Lợi và đường Tạo lực 2) với quy mô phù hợp. Dự án Vành đai 4 sẽ qua địa giới hành chính thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
Dự kiến thời gian thực hiện dự án Vành đai 4 TPHCM đoạn Bình Dương từ năm 2023 – 2026. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6ha trong đó tuyến chính 413,4 ha, tuyến kết nối 6,2ha. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 18.247,9 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Theo Hương Chi
Tiền phong