Giao thông mở đường cho Bình Dương hội nhập, phát triển

Từ các công trình giao thông mang tính động lực thời kỳ đầu như đại lộ Bình Dương, đường ĐT 743, ĐT 741…, tỉnh Bình Dương đã tập trung phát triển Khu Liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương (Thành phố mới Bình Dương) thành đô thị ‘hạt nhân’ liên kết với chùm đô thị vệ tinh thành đô thị Bình Dương văn minh – hiện đại, phát triển bền vững.

Mạng lưới kết nối thông suốt

Các trục giao thông chính kết nốt giữa Khu liên hợp với các tuyến giao thông đối ngoại và khu vực xung quanh là những tuyến đường lớn, có lộ giới 46,5m. Đường trục chính trong các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ có lộ giới 36,5m. Các tuyến nội bộ có lộ giới tối thiểu từ 2 làn xe trở lên.

Trục giao thông ĐT 743 vừa góp phần phát triển công nghiệp đô thị thị xã Thuận An, Dĩ An, vừa mở hướng giao thông đối ngoại hòa vào hệ thống giao thông chủ lực của kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: D.C

“Trong thu hút đầu tư, phát triển đô thị, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo ra quỹ nhà ở xã hội cùng các tiện ích khác như y tế, giáo dục, đào tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đạt chuẩn đô thị hóa 80%, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Với hệ thống giao thông đô thị đó, Bình Dương đã tạo dựng cho mình vóc dáng riêng theo hướng đô thị trẻ văn minh hiện đại, năng động và thân thiện với môi trường. Các tuyến đường tạo lực số 1 có tên đường Võ Văn Kiệt, nối liền Khu liên hợp với đường ĐT743. Tuyến tạo lực số 6 nối liền khu liên hợp với Quốc lộ 13. Hai tuyến đường này có chức năng mở ra cửa ngõ phía Nam.

Tuyến tạo lực số 2B nối liền khu vực phía Đông Khu liên hợp với đường ĐT 746, là cửa ngõ thông thương ra cảng Thạnh Phước, sông Đồng Nai đến cảng quốc tế nước sâu Thị Vải, Phú Mỹ.

Tuyến tạo lực N14 nối liền đường ĐT741 là cửa ngõ phía Bắc của Khu liên hợp, giữ vai trò tiếp nhận, giao lưu hàng hóa từ các tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên về các khu công nghiệp.

Ngoài ra, khi tuyến đường vành đai 4 TP.HCM được hình thành, sẽ trở thành trục Đông – Tây của tỉnh Bình Dương kết nối thông suốt với Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.

Sau khi tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên đi vào hoạt động, Bình Dương sẽ kích hoạt tuyến đường sắt đô thị thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.

Lấy phương tiện công cộng làm trung tâm

Phát triển đô thị phải gắn với phát triển giao thông công cộng nhằm hướng đến đô thị văn minh, hiện đại là yêu cầu đặt ra của UBND tỉnh trong thiết kế, quy hoạch giao thông vận tải.

Ông Tamachi – Trưởng đoàn khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica bày tỏ, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên kết thúc tại Ga bến xe Suối Tiên, nhưng là điểm đầu để thu hút khách từ Bình Dương đi TP.HCM và ngược lại. Khu vực này còn được quy hoạch bến xe Miền Đông mới rộng 16ha.

“Nâng cao tính kết nối giữa các đô thị bằng việc triển khai BRT (xe buýt nhanh đô thị) và phát triển đường sắt đô thị cùng với việc sắp đặt hợp lý các chức năng đô thị dọc tuyến” – ông Tamachi nói.

Ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương chia sẻ: “Đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần có nguồn vốn dài hạn đến vài chục năm, để không phải làm đi làm lại ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Muốn làm được điều đó, ngoài năng lực chuyên môn, tình yêu nghề còn phải kể đến trách nhiệm với quê hương, với cộng đồng”.

Các chuyên gia hoạch định chiến lược giao thông cho Bình Dương khẳng định, hệ thống giao thông hiện đại, liên hoàn không chỉ mở đường để Bình Dương phát triển hội nhập, mà còn mang về nguồn thu lớn từ tài nguyên đất đai.

Duy Chí

Nguồn: baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *