Hơn 1.400 tỷ đồng đầu tư, cải tạo quốc lộ 13 nối TPHCM với Bình Dương, hàng vạn người sẽ vui mừng, BĐS nơi đây hưởng lợi
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương vừa được HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 9 (bất thường, sáng 3/4), dự án cải tạo, mở rộng QL13 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, xác định quốc lộ 13 là trục xương sống của hệ thống giao thông trong tổng thể nền kinh tế – xã hội Bình Dương thì phải đầu tư nâng cấp mở rộng hợp lý để đủ sức gánh vác, nuôi dưỡng một địa phương đang phát triển mạnh.
Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương trước đó đưa ra 2 phương án cùng mở rộng mỗi bên 15m tính từ mép nhựa; nâng cấp từ 6 làn xe hiện hữu lên 8 hoặc 10 làn xe, đạt chuẩn đường phố chính đô thị; tốc độ thiết kế 80km/giờ và tải trọng 120KN/trục. Đồng thời, kết hợp cải tạo các nút giao thông xung yếu bằng hệ thống đèn tín hiệu hoặc chỉ mở rộng một bên theo hình thức phân kỳ đầu tư từng giai đoạn.
Tuy nhiên, theo phương án vừa được phê duyệt, QL13 được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn từ cổng chào P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An, Bình Dương, giáp ranh TPHCM) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Cả 2 làn mở rộng đều nằm bên phải hướng từ TPHCM đi Bình Phước, được đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ cả hai bên đường. Dự án còn xây 2 cầu vượt quy mô 4 làn xe gồm giao lộ ngã tư Bình Hòa (cầu Ông Bố, P.Bình Hòa, TX.Thuận An) và giao nhau giữa đại lộ Hữu Nghị (KCN VISP 1, TX.Thuận An) với QL13. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2019 – 2022.
Cũng theo Tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, sau khi dự án mở rộng QL13 hoàn thành sẽ sử dụng Trạm 1 (Vĩnh Phú) và Trạm 2 (Suối Giữa) để thu phí trên từng nhóm phương tiện nhằm thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hằng năm không vượt quá theo quy định của Bộ Tài chính.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.411 tỷ đồng, trong đó, 20% vốn doanh nghiệp và 80% vốn vay ngân hàng. Chi phí giải phóng mặt bằng dự án do ngân sách tỉnh hỗ trợ, không tính vào tổng mức đầu tư.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, QL 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.
Đến nay trên quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TPHCM… thường xảy ra kẹt xe, cần phải được nâng cấp mở rộng sớm. Nhiều phương án được đặt ra, nhưng bức xúc vẫn là vốn. Nếu tuyến đường sớm được đầu tư, nâng cấp mở rộng sẽ tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” đưa Bình Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa.
Đến nay trên quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TPHCM… thường xảy ra kẹt xe, cần phải được nâng cấp mở rộng sớm.
Tại Bình Dương, một thị trường được cho là khá ảm đạm hơn 10 năm qua dù hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ và lại rất gần với TP.HCM, từ sau tết đến nay bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn lên khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư địa ốc mới.
Theo đó, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) vừa cho biết trong năm nay sẽ đầu tư một dự án rộng gần 2ha tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Ngoài ra, đơn vị này còn đang sở hữu một quỹ đất khá lớn, khoảng gần 65ha tại Bình Dương làm “của để dành” cho các chiến lược phát triển trong tương lai.
Tương tự, Thiên Minh Group mới đây đã bắt tay cùng một đối tác phát triển khu dân cư quy mô ngay tại trung tâm Bình Dương. Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa thâu tóm quỹ đất rộng hơn 80ha để chuẩn bị phát triển các dự án căn hộ ngay cạnh đấy. Phú Đông Group cũng không muốn “thua kém” khi vừa tuyên bố trong năm 2019 này sẽ cho ra thị trường hơn 600 căn hộ giá hợp túi tiền tại Bình Dương.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng nếu như thời gian trước các dự án bất động sản tập trung phần lớn ở thành phố mới Bình Dương, TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát thì gần đây sự sôi động lại diễn ra tại thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng giao thông khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương đang được đầu tư ồ ạt theo chiến lược hình thành tam giác kinh tế Bình Dương – TPHCM – Đồng Nai.
Hiện nay, ngoài đường vành đai 3, vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 746, ĐT 747B mở rộng, sắp tới các khu vực này còn đón thêm nhiều công trình giao thông “tỉ đô”. Có thể kể đến như tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…
“Các công trình này tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với Bình Dương, thành phố Biên Hòa trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải,… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như hổ mọc thêm cánh. Cộng với việc chính quyền địa phương luôn sát cánh tháo gỡ nhanh những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư nên doanh nghiệp có thêm điều kiện triển khai nhanh dự án đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Phúc cho biết thêm.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ