Khối ngoại tiếp tục chiếm ưu thế trong hoạt động M&A BĐS 2019

Trong nửa đầu năm 2019, thị trường M&A bất động sản (BĐS) được các chuyên gia đánh giá kém sôi động hơn cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường trong thời gian tới.

Ngày 1/8 vừa qua, SonKim Land thông báo vừa huy động thành công 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suise. Đây là lần tiếp theo của SonKim Land kể từ các đợt huy động thành công trước đó với giá trị 37 triệu USD vào năm 2013 và 46 triệu USD vào năm 2016. 

Kể từ năm 2016, khoản đầu tư của ACA Investments vào SonKim Land đã tăng hơn 5 lần. Với EXS Capital đây là lần thứ ba đơn vị này thông qua quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund đổ vốn vào SonKim Land. Ngoài ba đơn vị trên, SonKim Land cũng đang là đối tác với những nhà đầu tư mới khác trong đợt huy động vốn lần này như Skymont Capital – Nhóm quản lý đầu tư tại Châu Á, và Credit Suisse – một trong những định chế tài chính toàn cầu hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. Với lần huy động vốn này, SonKim Land sẽ tiếp tục tập trung phát triển các dự án bất động sản cao cấp tại Việt Nam, trong đó bao gồm bất động sản nhà ở, thương mại và nghỉ dưỡng tại TP.HCM.

Đầu tháng 7, CapitaLand cũng thông báo đã hoàn tất thương lượng với Temasek và mua lại toàn bộ cổ phiếu hiện hành của Công ty Ascendas and Singbridge Pte. Ltd. Việc sáp nhập Ascendas-Singbridge giúp CapitaLand trở thành một trong những tập đoàn BĐS đa ngành lớn nhất châu Á. Sau khi thâu tóm Ascendas-Singbridge, CapitaLand tiếp tục đầu tư dự án khu phức hợp văn phòng thương mại, công nghiệp và vận tải tại TP.HCM. Gần đây nhất, Tập đoàn Keppel Land thông qua công ty thành viên Monestine Pte. Ltd., kí kết thỏa thuận với Công ty CP Địa ốc Phú Long để mua 60% cổ phần trong ba lô đất với tổng diện tích 6,2 ha tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Chia sẻ lý do tiếp tục đẩy mạnh vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, ông Hiroyuki Ono, Thành viên sở hữu của ACA Investmentscho biết, ACA Investments chọn tiếp tục đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam khi nhận thấy đối tác đã chứng tỏ được năng lực của mình thông qua các dự án mà đợn vị này triển khai. Ông Rehan Anwer, giám đốc ngân hàng đầu tư Credit Suisse khu vực Đông Nam Á nhận định, sự thành công của các giao dịch gần đây cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đây luôn là thị trường tiềm năng với dòng vốn ngoại.

Ngoài hai thương vụi đình đám trên, trong 7 tháng đầu măn, thị trường M&A có thêm 3 thương vụ đáng chú ý khác đến từ khối ngoại là quỹ đầu tư Nhật Bản Samty Asia Investments Pte. Ltd góp 22,5 triệu USD phát triển hàng loạt BĐS nghỉ dưỡng ven biển, SK Group mua cổ phần Vingroup, Tập đoàn Lotte hợp tác cùng Hưng Lộc Phát phát triển dự án tại quận 7. 

M&A bất động sản


Khối ngoại vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào các thương vụ M&A bất
động sản tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Một thương vụ nữa là Lotte Land liên doanh với tập đoàn FLC, thành lập pháp nhân mới – Công ty CP Lotte FLC – để phát triển một dự án quy mô 6,4 ha tại Đại Mỗ, Hà Nội. Ngoài ra, M&A khối nội cũng có thêm thương vụ nổi bật là Nam Long chi hơn 2.300 tỉ đồng mua 70% cổ phần dự án Đồng Nai Waterfront City. 

Như vậy, so với cùng thời điểm năm 2018, hoạt động M&A của ngành BĐS trầm lắng hơn rất nhiều. Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, nguyên nhân là do sự ảm đạm chung của thị trường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại có cái nhìn dài hạn, họ sẽ tính toán tốc độ tăng trưởng của thị trường trong vòng 3-5 năm tới. Các doanh nghiệp BĐS cần có chiến lược thu hút, bắt tay các nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn vốn, tăng khả năng quản trị, khai thác thị trường. Hiện các doanh nghiệp trong nước có số lượng nhiều nhưng doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực khá ít. Vì vậy, dòng vốn ngoại trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra giữa các ông lớn, làm ăn chuyên nghiệp, minh bạch. Ngược lại, doanh nghiệp yếu kém có thể sẽ bị thâu tóm.

Theo thông tin đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Lĩnh vực sôi động nhất trên thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn 2018-2019 vẫn là sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018 và BĐS sẽ vẫn là ngành thu hút nguồn vốn ngoại tốt trong thời gian tới. 

Nhận định về dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS, giới chuyên môn cho rằng, hoạt động M&A giúp thị trường BĐS khai thông nguồn vốn ứ đọng, giúp dự án tái khởi động. Từ đó mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, cổ đông, nhất là khách hàng, người mua nhà. Hiện nay nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn, trong đó nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng. 

Tuy nhiên quy định pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa thật sự khơi thông khiến việc chuyển nhượng trên thực tế rất khó khăn. Quá trình phê duyệt kéo dài cũng ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019. Việc tìm nguồn cung sạch và minh bạch sẵn sàng để đầu tư sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển và đầu tư hiện nay.

Phương Uyên

(Theo Enternews.vn) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *