Triển vọng cuối năm tươi sáng của thị trường BĐS sau chỉ đạo “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý” của Thủ tướng

Vào cuối tuần vừa qua, thị trường bất động sản đã đón nhận một thông tin tích cực đó là tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước”.

Thực tế, trước khi có chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã gặp không ít khó khăn đối với cả doanh nghiệp và người mua nhà. Trong quý II vừa qua đã ghi nhận các giao dịch nhà đất chậm dần và có dấu hiệu chững lại, một phần nguyên nhân được cho là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Nhận định về dòng vốn vào thị trường BĐS, TS. Võ Trí Thành cho rằng: “Chúng ta không siết tín dụng bất động sản, nhưng có chọn lọc hơn dựa theo những đánh giá của phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn cần quan tâm”.

Cũng theo ông Thành, cùng với tín dụng từ ngân hàng thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò tích cực của. Đến nay, tổng quy mô của trái phiếu doanh nghiệp là 1,5 triệu tỷ đồng bằng quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ. “Trong thời gian gần đây nếu không có trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều. Riêng năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt quá tín dụng mới cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

“Thách thức trong quản lý thị trường bất động sản là “làm sao cân bằng, không thiên lệch trong quá trình phát triển của thị trường bất động sản, chỉ thấy rủi ro, đầu cơ”. Và đằng sau yêu cầu “không thiên lệch” là vấn đề “còn khó hơn về mặt chính sách”. Chính sách về bất động sản không chỉ hoàn toàn là lý thuyết mà là nghệ thuật điều hành và cách ứng xử”, vị chuyên gia này băn khoăn.

Đồng tình quan điểm, theo TS Trần Đình Thiên cho rằng, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về gỡ vướng cho BĐS cần được quán triệt trong hành động của từng bộ ngành như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… “Tinh thần chỉ đạo cần phải được thể hiện thành cơ chế vận động thực tiễn”, vị chuyên gia góp ý. Đặc biệt, theo ông, đây là việc cần làm nhanh, đi kèm với những cam kết mạnh mẽ của từng cơ quan để thực sự tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế.

Tinh thần chung lúc này được TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh là phục hồi nền kinh tế và “đừng quá lo ngại về lạm phát mà đánh mất thời cơ”. Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang có đà tốt khi giữ được lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi thế, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ để “trỗi dậy”.

Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường BĐS, mới đây ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết Hiệp hội đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục xem xét giải quyết nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp mà đây là các doanh nghiệp – khách hàng tin cậy của các ngân hàng. Tức khách hàng có uy tín về tín dụng, những khách hàng thanh toán lãi, trả nợ vay đúng hạn. Thậm chí những doanh nghiệp làm tốt, đúng quy định cần được quan tâm”.

Ngoài vốn tín dụng, kênh trái phiếu cũng đóng vai trò quan trọng. Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153 theo hướng chấn chỉnh, uốn nắn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ, để làm sạch thị trường trái phiếu.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group cho rằng khó khăn sẽ chưa qua hẳn với thị trường bất động sản, nhưng cũng đã nhìn thấy tương lai tươi sáng. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp kỳ vọng việc kiểm soát tín dụng cũng sẽ được nới ra, muộn nhất có thể là cuối năm nay. Đây cũng là là thời gian tốt nhất để Chủ đầu tư, khách hàng tập trung vào công tác chuẩn bị.

Nói về triển vọng thị trường, ông Tuyển cho biết thêm: “Lạm phát hiện tại nguyên nhân chính là do tăng giá nguyên liệu đầu vào, do đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn còn đó. Hay ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bản thân lạm phát không bắt nguồn từ việc “dư tiền” ngoài xã hội. Vì vậy, tôi đánh giá việc tăng lãi suất sắp tới sẽ dừng lại. Việc kiểm soát tín dụng cũng sẽ được nới ra. Bởi đó là các động thái phòng ngừa rủi ro cấp tính, chứ không phải đang chữa bệnh lạm phát”.

“Người mua nhà để ở có lẽ đã tắc đường nhiều năm do nguồn cung ít hoặc chờ cơ hội giá rẻ. Nhưng có lẽ điều họ mong muốn sẽ không xảy ra. Họ sẽ phải dũng cảm hơn trong thời gian tới để quyết định mua được ngôi nhà mơ ước của mình”, ông Tuyển nói.

Nam Anh

Theo Nhịp sống kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *