Kinh nghiệm mở những con đường lớn từ Bình Dương
Bình Dương – trung tâm kinh tế, công nghiệp hàng đầu của vùng Đông Nam bộ và cả nước đang đặt mục tiêu quyết tâm hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm để kết nối vùng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn mạnh trong thời gian tới.
Những dự án “khủng” sắp khởi công
Đáng chú ý trong năm 2024, dự án đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành với chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư khoảng 17.408 tỷ đồng và dự kiến khởi công xây dựng ngay trong năm nay.
Nhằm đảm bảo đúng tiến độ đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng. Theo đó, phấn đấu đến quý II/2024 sẽ bàn giao tối thiểu 50% mặt bằng để triển khai xây dựng các gói thành thầu thành phần đầu tiên. Dự kiến đường cao tốc đầu tiên đi qua Bình Dương sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) chia thành 2 dự án thành phần gồm dự án thành phần 1 là giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn và dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo hình thức PPP.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2865/QĐ-UBND bố trí kế hoạch vốn cho dự án đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) là 7.500 tỷ đồng. Hiện dự án đang thực hiện cắm cọc, thiết kế ranh để triển khai giải phóng mặt bằng. Dự kiến phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 03/2024. Giải phóng mặt bằng, bàn giao tối thiếu 50% trong quý II/2024, 70% mặt bằng trong quý III/2024 cùng hoàn thành toàn bộ việc giải phóng mặt bằng trong năm 2024. Dự án khởi công trong quý II/2024 và đưa vào khai thác từ quý IV năm 2026.
Dự án trọng điểm đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài toàn tuyến 26,6 km với mức đầu tư 19.280 tỷ đồng đã được khởi xây dựng trong năm 2023, đến nay các gói thành phần đang đẩy nhanh tiến độ khẩn trương.
Theo ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Giao thông tỉnh Bình Dương, đến nay tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đều đang được đẩy nhanh tiến độ thi công đúng với nhịp độ chung của toàn dự án. Cụ thể, công trình Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh gói xây lắp số 2 các đơn vị đã bố trí làm việc xuyên tết để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương để đáp ứng các nguồn vật liệu cho dự án đường Vành đai 3, tỉnh đã mời các doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản cung ứng nguồn vật liệu xây dựng; đồng thời đăng ký cung ứng khối lượng cụ thể. Đã có 6 đơn vị đăng ký khối lượng 540.000 m3 cát; 8 đơn vị đăng ký 1,83 triệu m3 đá xây dựng các loại và đất san lấp; còn lại là 1,4 triệu m3 đất san lấp sẽ thuộc phần đất tầng phủ của các mỏ đá.
Tuyến đường Vành đai 3 đoạn đi qua tỉnh Bình Dương gồm hai dự án thành phần, gồm dự án thành phần 5 (nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có tổng mức đầu tư 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có tổng mức đầu tư hơn 13.527 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án có quy mô đầu tư gồm 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi hoàn thiện, tuyến đường có vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Đây là dự án giao thông trọng điểm được tỉnh Bình Dương ưu tiên đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Kinh nghiệm mở đường lớn…
Ngay trong những ngày sau Tết trở lại làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung phối hợp và thực hiện các bước đúng với kế hoạch và nội dung thống nhất tại buổi làm việc để đảm bảo tiến độ chung của các dự án giao thông trọng điểm phải triển khai đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, yêu cầu thành lập ban chỉ đạo dự án của địa phương để phối hợp chỉ đạo tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc kịp thời trong quá trình triển khai dự án tại địa phương, không để dự án chậm trễ tiến độ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong mấy năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm lớn về phát triển hạ tầng giao thông. Từ năm 1998, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV – Becamex IDC thực hiện dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13 theo phương thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Đây là tuyến đường trọng điểm đầu tiên của tỉnh có chiều dài 68,5km từ cầu Vĩnh Bình (giáp ranh Tp. Hồ Chí Minh) đến cầu Tham Rớt (giáp ranh tỉnh Bình Dương) là một đại lộ 6 làn xe bê tông nhựa nóng kiên cố, khang trang và hiện đại. Việc xây dựng tuyến đường lớn trọng điểm kết nối vùng như Quốc lộ 13 đã mở toang cánh cửa giúp Bình Dương nhanh chóng chuyển mình, biến vùng đất nông nghiệp thuần túy trở thành tỉnh “thủ phủ công nghiệp” – trung tâm sản xuất lớn của cả nước.
Ngày nay, với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự gia tăng dân số tại hệ thống các khu công nghiệp, thu hút hơn 4.000 dự án vốn đầu tư nước ngoài với hơn 40 tỷ USD rót vào Bình Dương. Do đó, việc nâng cấp hạ tầng giao thông để đáp ứng vận chuyển hàng hóa cũng như phát triển đô thị là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu tại địa phương này. Hiện Bình Dương không chỉ là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc có một hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi.
Những dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương đang giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải tỏa đất đai và bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giao thông đi qua. Quyết tâm của chính quyền địa phương là đảm bảo rằng mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng.
Việc hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm tại Bình Dương không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một cơ hội để tỉnh bứt phát, tạo thêm tiềm năng to lớn trong giai đoạn phát triển mới, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và cả đất nước.
Theo Dương Chí Tưởng
Báo tin tức