Nhà đầu tư BĐS đang đổ tiền vào đâu trong những tháng đầu năm?
Nhiều nhà đầu tư BĐS cũng cho biết, chiến lược mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp BĐS là dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt những đô thị loại 2 ven biển – nơi đang hình thành những đô thị trung tâm với định hướng phát triển hạ tầng du lịch tốt như nâng cấp sân bay, hạ tầng giao thông, mở đường bay trong nước và quốc tế và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư – để tạo nhanh dòng tiền.
Theo quan sát thực tế thời gian qua, tại khu vực phía Nam khu vực Long Sơn, Long Hải, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), TP. Biên Hoà (Đồng Nai), Thị xã La Gi (Bình Thuận), Mũi Dinh (Ninh Thuận) …đang trở thành những điểm đến mới nổi của dòng vốn đầu tư.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển Việt Nam được châm ngòi bởi những yếu tố như cơ sở hạ tầng cải thiện, lượng du khách quốc tế và trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm ngày càng đa dạng và chất lượng cao.
“Cũng không thể phủ nhận một thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hội tụ đầy đủ những yếu tố này nên dễ hiểu tại sao thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chưa bao giờ hết nóng”, bà Dung nhấn mạnh.
Công ty nghiên cứu CBRE Việt Nam cũng vừa công bố báo cáo tiêu điểm về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam bình quân đạt 27% trong 2 năm qua và thuộc những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả.
Đơn vị này cung cấp số liệu cho thấy hiện 4 thị trường lớn gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Bình Thuận… lượng cung giới thiệu ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ khách sạn (condotel) trong năm 2018. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 5.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường, và tỷ lệ hấp thụ cũng đạt khoảng 90%. Thị trường cũng đang xuất hiện những khu vực mới nổi khác nằm trong vòng bán kính không xa các địa điểm trên.
Theo quan sát thực tế từ thị trường thời gian qua, tại khu vực phía Nam, ngoài tiềm năng tăng trưởng chưa có điểm dừng của BĐS nghỉ dưỡng Cam Ranh (Nha Trang), thì khu vực Long Sơn, Long Hải, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Thị xã La Gi, Mũi Né (Bình Thuận)… đang trở thành những điểm đến mới nổi của dòng vốn đầu tư.
Đánh giá của nhiều nhà đầu tư BĐS cũng cho biết, chiến lược mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp BĐS là dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt những đô thị loại 2 ven biển – nơi đang hình thành những đô thị trung tâm với định hướng phát triển hạ tầng du lịch tốt như nâng cấp sân bay, hạ tầng giao thông, mở đường bay trong nước và quốc tế và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư – để tạo nhanh dòng tiền.
“Thị trường nào cũng có nhu cầu của riêng thị trường đó. Hiện nay, khi tình hình có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp đều đang có sự dịch chuyển mạnh về tỉnh xa, chứ không nhất thiết luôn lấy TP.HCM làm trung tâm. Thực ra, nhu cầu nhà ở tại tỉnh lẻ rất lớn nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác, cung cấp những sản phẩm giá trị thật cho khách hàng”, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, cho biết thêm.
Thật vậy, từ giữa năm ngoái, rổ hàng BĐS tại TPHCM đã ít dần, quỹ đất không còn nhiều, doanh nghiệp đã chuyển hướng khai thác thị trường các tỉnh. Sau khi thành công với việc phát triển dự án Biên Hòa New City tại tỉnh Đồng Nai với hơn 3.000 nền nhà, Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh tiếp tục đàm phán để phát triển nhiều dự án BĐS khác tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cám Ranh (Khánh Hòa) và TP. Quy Nhơn (Bình Định) có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Tập đoàn Novaland sau một thời gian dài thành công ở thị trường bất động sản TPHCM, thì trong năm 2019 cũng đã bắt đầu dạt ra các tỉnh thành lân cận để đầu tư, phát triển dự án như Phan Thiết, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hoà. Công ty CP DRH cũng vừa tiết lộ thông tin đang chuẩn bị đầu tư một khu nghỉ dưỡng hiện đại tại trung tâm TP. Phan Thiết (Bình Thuận)…
Như vậy, sự đổ bộ của các chủ đầu tư lớn vào các tỉnh ven biển đã làm cho thị trường BĐS ở đây thêm phần sôi động. Từ đó, khi có nhiều doanh nghiệp tên tuổi đầu tư thì thị trường BĐS càng cạnh tranh, nhà đầu tư, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn, giá cả sẽ hợp lý, dự án sẽ chất lượng, bảo đảm tính pháp lý hơn.
Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư khá nhanh nhạy khi chuyển dịch dòng vốn vào một số địa phương chuẩn bị được nâng lên thành đô thị loại 1 và 2. Những nơi này được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư bởi vì nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở cho người dân sẽ tăng lên cao trong thời gian ngắn.
Chẳng hạn, riêng tại thị trường Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều nhà đầu tư sau một thời gian ồ ạt bung tiền gom đất đón đầu cơ hội nơi này sẽ trở thành đặc khu thì nay đã và đang âm thầm rút vốn để chuyển hướng đầu tư mới.
Một số sàn giao dịch cho biết, điểm đến mới nhất của các nhà đầu tư không đâu xa mà chính là Hà Tiên – nơi vừa được nâng cấp lên thành phố. Theo lý giải của các chuyên gia BĐS, TP. Hà Tiên liền kề Phú Quốc và đang được địa phương chú trọng đầu tư hàng loạt dự án giao thông để kết nối hai khu vực với nhau. Song song đó, TP. Hà Tiên có nhiều tiềm năng và lợi thế về du lịch – nghỉ dưỡng biển với số lượng du khách đến đây hàng năm ngang ngửa không thua gì Phú Quốc.
Chính lợi thế này, so với một năm về trước giá đất ven biển TP. Hà Tiên đã tăng từ 30-40%, cộng với đó hàng loạt dự án biệt thự/ nhà phố ven biển cũng nhanh chóng được tung ra thị trường. Qua trao đổi với một số sàn giao dịch, được biết giá đất nền tại đây đang được chào bán khoảng 35-50 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí, tăng khá mạnh so với chỉ 15-20 triệu đồng/m2 khi Hà Tiên chưa lên thành thành phố cũng như khi chưa có nhiều dự án hạ tầng giao thông đi vào hoạt động.
Tương tự, trong khi các ông lớn địa ốc như Novaland, Hưng Thịnh, FLC… đang “nhòm ngó” dải duyên hải từ Phan Thiết đến Mũi Né thì một số nhà đầu tư nhanh nhạy lại chọn thị xã La Gi làm điểm chớp thời cơ, trong đó có cả một “ông lớn” địa ốc Hà Nội đang muốn phát triển khu trung tâm thương mại hiện đại tại đây.
Theo lý giải của một số nhà đầu tư, La Gi đang hội tụ những yếu tố tăng trưởng mới, ngoài việc nơi đây được thụ hưởng một mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối khá thuận lợi giữa TP. Vũng Tàu và Phan Thiết nhờ tuyến đường ven biển và cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, thì việc thị xã này đang phấn đấu lên thành thành phố trực thuộc tỉnh cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Theo đó, qua 14 năm kể từ khi trở thành thị xã, La Gi không ngừng được đầu tư phát triển và trở thành đô thị lớn thứ hai của tỉnh Bình Thuận (sau TP. Phan Thiết). Vào ngày 23/4/2018, La Gi tiếp tục nhận được quyết định nâng cấp lên đô thị loại III trực thuộc Bình Thuận.
Thời gian gần đây, thị trường BĐS khu vực này đang phát triển mạnh, thu hút mạnh giới đầu tư, kèm theo đó giá BĐS tăng cao và nhiều điểm môi giới nhà đất ăn theo ra đời khiến thị trường này càng thêm hấp dẫn. Song song đó, nhiều khách hàng cũng chuyển dòng tiền vào nhà đất một số khu vực có tiềm năng vì muốn “ăn theo” các dự án quy mô lớn đang rục rịch triển khai xây dựng tại La Gi.
Đó là dự án tuyến đường nối thẳng trung tâm thị xã đến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây; tuyến đường ven biển nối thẳng trực tiếp Long Hải, Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến Thị xã La Gi, Kê Gà và Mũi Né (Bình Thuận; 2 trung tâm thương mại hiện đại của một “ông lớn” địa ốc từ Hà Nội
Qua tìm hiểu được biết, hiện tại nhiều dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công như dự án nhà phố biển thương mại Queen Pearl Marina Complex được đầu tư rất bài bản ngay trung tâm Lagi; khu Đồi Dương, khu Resort Ba Thật, Khách sạn Ba Thật, Khách sạn Nhật Minh, Resort Đất Lành, Resort Cam Bình (Nhà Bè), KDL Cocobeach mới, KDL 7 kỳ quan thế giới, KDL sinh thái Rừng Dầu… trong đó phần lớn sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm nhà phố, biệt thự hướng biển từ nay đến năm 2020.
“Đây đang là cơ hội to lớn để địa phương kêu gọi đầu tư và phát triển lĩnh vực BĐS trong thời gian tới. Nhiều năm qua, đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư dự án khu đô thị lấn biển, khu biệt thự nghỉ dưỡng và hiện nay đang rục rịch công bố dự án ra thị trường, giá đất và các giao dịch bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh”, ông Trần Hiếu – Phó TGĐ khối Tiếp thị & Kinh doanh Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam, cho biết thêm.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế