Nới room tín dụng thị trường bất động sản sôi động trở lại?
Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế thì việc mở room này cũng không nhiều, đồng thời các ngân hàng cũng muốn dành dòng vốn này để ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực trực tiếp đi vào đời sống người dân nhiều hơn,…
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng, theo NHNN, dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của TCTD và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ…
Cũng theo NHNN, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế”, thông cáo khẳng định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại để “bơm” thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%.
Nhiều người kỳ vọng rằng, khi room tín dụng được nới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại. Tuy nhiên, theo anh N.H, nhân viên tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội, sau những vụ việc xảy ra với bất động sản trong thời gian qua các ngân hàng có tâm lý e ngại khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có bất động sản.
“Trước đó, nhiều hồ sơ xếp chờ được vay nên sẽ rất nhanh lấp đầy room tín dụng. Với hơn 450.000 tỷ đồng được giải ngân nhưng mục đích là triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh và bất động sản không được nêu cụ thể là nhóm ưu tiên”, anh H. nói.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, về lý thuyết thì việc các ngân hàng được nới room tín dụng sẽ tăng khả năng cho vay của các ngân hàng dựa trên vốn mình có, và điều này cũng sẽ có lợi cho lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Phương, trên thực tế thì việc mở room này cũng không nhiều, đồng thời các ngân hàng cũng muốn dành dòng vốn này để ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực trực tiếp đi vào đời sống người dân nhiều hơn,… cũng là để hạn chế xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc nới room tín dụng cũng sẽ có những tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, con số 450.000 tỷ đồng so với nhu cầu của thị trường vẫn là thấp.
“Vấn đề là tiền được bơm vào dự án nào, phân khúc nào hay lĩnh vực nào mới là điều quan trọng. Thị trường bất động sản sẽ có giao dịch trở lại nhưng không nhiều và không thể sốt đất khi nới room tín dụng được”, ông Đính nói.
Còn theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, dù Ngân hàng Nhà nước nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, song dòng vốn tín dụng này sẽ ưu tiên cho sản xuất và dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiểm soát cẩn trọng dòng tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra nhận định, ngành bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khả năng lãi suất tăng và việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng bất động sản của các ngân hàng hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản các dự án, dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 – 2023.
Minh Tâm
Nhịp sống thị trường