QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO: Bạc đầu chờ đợi

L.T.S: Những ngày này, nhiều người nhắc lại lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP HCM phải đẩy nhanh hoặc kiên quyết thu hồi dự án treo. Yêu cầu này đã làm dấy lên hy vọng cuộc sống “sang trang” khi họ đang phải từng ngày, từng giờ quay quắt bên các dự án treo.

Nhiều người đã chờ đợi đến bạc đầu nhưng cầu Kinh Thanh Đa vẫn là điểm nối duy nhất giữa trung tâm TP HCM với bán đảo Thanh Đa, còn ga Bình Triệu vẫn nằm trên giấy.

Đến bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM) vào một sáng đầu năm 2022, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi vẫn là những căn nhà lụp xụp, đường sá và môi trường sống nhếch nhác dù nơi đây, từ 30 năm trước đã được quy hoạch để trở thành khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Hình ảnh đối nghịch ở đôi bờ sông Sài Gòn

Đưa tay chỉ sang phía bên kia sông, ông Trần Văn Bưng (60 tuổi) nói với giọng trầm buồn, bao nhiêu năm qua, bộ mặt đô thị khắp các địa phương ở TP HCM thay đổi chóng mặt, nhiều khu đô thị mới, dự án mọc lên khắp nơi nhưng điều đó lại là không tưởng với bán đảo Thanh Đa. “Từ Thanh Đa nhìn qua sông Sài Gòn là khu Thảo Điền khang trang nên người dân nơi đây chưa bao giờ từ bỏ niềm mơ ước được xóa quy hoạch treo để bán đảo Thanh Đa tráng lệ không kém gì khu bên kia sông” – ông Trần Văn Bưng nói.

Theo ông Bưng, sự thay đổi lớn nhất ở bán đảo Thanh Đa suốt 30 năm qua có lẽ là con đường vành đai nông thôn phía bến đò Bình Quới đã được bê-tông hóa, giúp người dân thoát cảnh bùn lầy khi mùa mưa tới; còn lại tất cả là những hình ảnh xưa cũ của thế kỷ trước. Ông kể gia đình ông mấy đời bám trụ mảnh đất này. Hiện gia đình 4 thế hệ hơn 10 người cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu nhưng không dám chi tiền sửa chữa hay xây thêm nhà để mấy người con ra riêng. “Vợ chồng tôi chỉ còn biết chia 2.000 m2 đất bằng miệng để sau này qua đời thì các con cứ theo lời dặn mà làm, đừng tranh giành, xích mích với nhau” – ông Bưng trải lòng.

QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO: Bạc đầu chờ đợi - Ảnh 1.
QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO: Bạc đầu chờ đợi - Ảnh 2.
QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO: Bạc đầu chờ đợi - Ảnh 3.
Do quy hoạch khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa suốt 30 năm vẫn chưa thực hiện nên đã tạo ra hình ảnh đối nghịch ở đôi bờ sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tình cảnh của ông Bưng cũng là tình cảnh chung của hơn 3.000 hộ dân ở bán đảo Thanh Đa. Nguyên nhân là không thể chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư. Những hộ có đất thổ cư nhưng muốn xây nhà lại thì phải ký giấy cam kết không yêu cầu bồi thường khi có giải tỏa. “Nếu năm nay xây mà qua năm sau nhà nước giải tỏa thì tiền bạc xây nhà như đổ sông, đổ bể nên ít người dám làm liều” – bà Trần Thị Thu (ngụ gần nhà ông Bưng) lý giải về những căn nhà xập xệ, cũ nát xung quanh. Không chỉ nhà cửa lụp xụp, bà Thu cho rằng quy hoạch treo còn khiến công việc của người dân Thanh Đa bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Nhiều người dân ở đây thường tự an ủi mình là “đại gia” bởi có trong tay hàng ngàn mét vuông đất nhưng hiện vẫn phải đi làm thuê kiếm sống.

Không phải dân địa phương, năm 2012, gia đình bà Phạm Thị Thanh Vân đến bán đảo Thanh Đa mua nhà nhưng vì mua giấy tay nên không đủ điều kiện làm giấy tờ hợp pháp. “Hằng năm tôi vẫn đóng thuế tiền sử dụng đất nhưng không được cấp số nhà. Khổ lắm, nhà không số cho nên đường ống chạy trước nhà cũng không được cấp nước sạch, phải xài ké hàng xóm” – bà Vân than vãn. Bà Vân nói người dân muốn sửa chữa nhà phải được sự cho phép của chính quyền địa phương, ngay cả làm hàng rào cũng vậy. Hàng rào chỉ được dùng lưới B40 chứ không được làm kiên cố. “Năm nay tôi đã 74 tuổi rồi không biết sống được bao lâu. Mong cho thành phố kiếm được nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án như yêu cầu của Chủ tịch nước vừa mới phát biểu đăng trên báo đài để người dân nơi đây bớt khổ” – bà Vân kỳ vọng.

“Ma trận” mang tên… ga Bình Triệu

Qua bên kia bến đò Bình Quới, theo đường Phạm Văn Đồng về Quốc lộ 13, hơn 3.200 hộ, với hơn 15.000 nhân khẩu (khu phố 2, 6 và 7) cũng đang mong mỏi dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 sớm được định đoạt.

Theo đường song hành đường ray tàu sắt Bắc – Nam, rẽ phải vào đường 45 vừa được rải đá dăm là những đường nhánh ngoằn ngoèo dẫn vào khu phố 2 như mê cung. Theo lời chị Nguyễn Thị Linh (ngụ khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh) thì đường ở đây rất nhiều nhưng rất nhỏ, có đoạn chỉ đủ né 2 chiếc xe máy. Thế nhưng càng đi vào sâu, dân cư càng dày đặc. Chị Linh kể mười mấy năm trước, khu vực này nhà cửa không san sát như bây giờ, đi cả đoạn mới thấy căn nhà lọt thỏm giữa mảnh đất rộng. Do quy hoạch không thực hiện, nhiều người cần tiền làm ăn hay sinh kế nên cứ thế chia đất ra bán giấy tay, từ đó cư dân ngày càng đông. “Cư dân chỉ dừng tăng khi mấy năm gần đây nhà nước siết chặt xây dựng không phép. Điều này cũng khiến không ít gia đình “cố cựu” gặp khó khi con cái lớn nhưng không thể cơi nới nhà cửa. Như ba má chồng tôi, muốn tách đất cho con cái làm sổ nhưng chờ hoài không được. Dự án cứ lình xình khiến người dân bị tước quyền lợi” – chị Linh than vãn.

QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO: Bạc đầu chờ đợi - Ảnh 4.
Dự án ga Bình Triệu sau 20 năm vẫn nằm trên giấy. Ảnh: QUỐC ANH

Ngán ngẩm vì dài cổ chờ dự án, chị Linh chỉ muốn dự án ga Bình Triệu sớm dứt điểm một cách rõ ràng như yêu cầu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để khôi phục quyền lợi chính đáng đã bị tước mất lâu nay… “Số phận người dân nơi đây cũng vất vả theo dự án. Nếu làm ga mới thì nhà nước phải thông báo rõ ràng là khi nào để người dân biết. Chúng tôi cũng sẵn sàng bàn giao đất vì sợ lắm cái cảnh đợi chờ và sống trong những căn nhà dột nát” – chị Linh thở dài.

Len lỏi vào khu dân cư phía sau nhà chị Linh là những dãy nhà nhỏ san sát. Đang chơi cùng các cháu nhỏ, khi nghe hỏi về dự án ga Bình Triệu, chị Nguyễn Thị Mai nói vọng ra: “Chúng tôi nghe nói dự án có lâu lắm rồi mà không biết bao giờ mới làm, suốt ngày thấp thỏm. Khổ quá chú ơi”.

Chị Mai kể do nhà ba mẹ đông con cháu nên hơn chục năm trước, vợ chồng chị đánh liều chi một trăm mấy chục triệu đồng mua giấy tay miếng đất nhỏ, rồi cất căn nhà có gác, diện tích hơn 30 m2. Đến nay, các con lớn, căn nhà đã chật chội nhưng không thể nào mở rộng. “Tôi chỉ sửa tạm trong nhà chứ nâng lên gác nữa là bị đập luôn, lúc đó không biết ở đâu vì trước đây làm nhà không phép. Thôi thì có bao nhiêu ở bấy nhiêu. Quanh đây nhiều người cũng mua đất nhưng không dám cất nhà, vẫn phải ở thuê. Dự án treo quá lâu rồi, mong nhà nước có phương án để xóa quy hoạch treo, chứ khổ quá rồi” – chị Mai cầu mong.

Ngoài hình ảnh nhà cửa lụp xụp, theo ghi nhận, cả khu vực 47,35 ha của dự án ga Bình Triệu do bị “treo” nên hầu hết công trình giao thông không theo một quy hoạch cụ thể, chỉ có kích thước từ 1-3 m và ngoằn ngoèo, gấp khúc khó đi. Hệ thống thoát nước của khu vực này chủ yếu là thoát tràn trên mặt đường và qua các mương hở hiện hữu… Cuộc sống người dân trong khu vực khó khăn, bộn bề.

Sướng như dân rạch Ụ Cây!

Theo dõi thợ thi công hệ thống điện căn nhà 2 tầng sắp hoàn thiệt để đón Tết, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ đường rạch Ụ Cây, phường 10, quận 8, TP HCM) cho biết trước đây nhà ông vướng dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (giai đoạn 2) nên không được xây dựng, thậm chí không dám chi tiền sửa chữa vì không biết lúc nào nhà bị di dời. “Nay thành phố xóa dự án treo này, người dân nơi đây mừng lắm. Riêng bản thân tôi, sau 1 năm tích lũy đã quyết định xin giấy phép xây dựng căn nhà này để đón Tết. Trên tuyến đường này đã có nhiều nhà mới mọc lên, khang trang hơn trước nhiều” – ông Hải hồ hởi.

Năm 2010, quận 8 kết hợp Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây giai đoạn 1, di dời gần 1.000 hộ dân sống trên và ven rạch. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ di dời hơn 1.600 hộ dân để chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (phường 10 và 11) thành khu đô thị mới văn minh. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà giai đoạn 2 dự án không được triển khai và người dân bị vướng dự án treo trong nhiều năm. Sau đó, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn có văn bản xin UBND TP HCM không thực hiện dự án. Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo xóa 180 dự án chậm triển khai, trong đó có dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây.

Theo Quốc Anh

Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *