Tân Uyên sôi động bất động sản liền kề khu công nghiệp
Sức nóng của thị trường bất động sản Tân Uyên ngày càng gia tăng theo lộ trình lên thành phố, cùng với đó là dòng chảy mạnh mẽ của dòng vốn FDI đã và đang tạo sức bật cho phân khúc nhà ở liền kề khu công nghiệp.
“Nóng” theo bất động sản công nghiệp
“Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là ‘đứa con cưng’ của ngành bất động sản nói chung, với nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng”. Đó là khẳng định của ông Troy Griffiths – Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam về xu hướng của bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.
Những con số thống kê chỉ ra rằng, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid, bất động sản công nghiệp vẫn đang trên đà tăng trưởng và được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với riêng Bình Dương, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng vốn FDI vào tỉnh này đạt 1,4 tỷ USD, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2020, nâng tổng vốn FDI lũy kế đạt 37 tỷ USD. Nhờ đó, Bình Dương tiếp tục nằm trong Top 3 cả nước về thu hút FDI (chỉ sau Hà Nội và TP. HCM). Toàn tỉnh hiện có 31 KCN đang hoạt động với tổng diện tích gần 13.000ha. Đáng chú ý, Bến Cát và Tân Uyên là 2 địa bàn tập trung phần lớn các KCN của tỉnh.
Nhờ lợi thế phát triển công nghiệp, TX. Tân Uyên đang là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn, kéo theo đó là hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, lao động trong và ngoài nước. Đây cũng là lực lượng chính có nhu cầu về nhà ở liền kề khu công nghiệp, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài mong muốn chỗ ở thuận tiện sinh sống, làm việc. Đơn cử, KCN VSIP II có quy mô 2045ha tại Tân Uyên hiện đã lấp đầy với 300 nhà máy và khoảng 70.000 lao động, chuyên gia, quản lý đang làm việc. Nhu cầu nhà ở dự báo tiếp tục tăng mạnh tại Tân Uyên trong thời gian tới khi KCN VSIP III với quy mô 1000ha cũng đang bắt đầu triển khai, tạo sức bật mạnh mẽ cho bất động sản công nghiệp cũng như nhà ở liền kề.
Nhà ở liền kề KCN là điểm sáng giữa mùa dịch
Các chuyên gia nhận định, sở dĩ nhiều nhà đầu tư mạnh tay “rót tiền” vào bất động sản liền kề khu công nghiệp là do dòng sản phẩm này sẽ bù đắp vào nhu cầu nhà ở đang thiếu hụt tại khu vực. Đồng thời đem lại lợi nhuận kép từ việc kết hợp khai thác kinh doanh buôn bán, đầu tư cho thuê. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi bất động sản công nghiệp tăng trưởng 10% thì bất động sản nhà ở liền kề khu công nghiệp tăng trưởng gấp nhiều lần.
Thêm nữa, yếu tố gần kề khu công nghiệp chính là lợi thế đắt giá, bởi trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, không nhiều dòng sản phẩm trên thị trường giữ được sự tăng trưởng ổn định và có khả năng khai thác cho thuê, tạo ra lợi nhuận kép.
Sức bật từ quy hoạch
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thêm 2 thành phố là thành phố Tân Uyên và Bến Cát. Dự kiến, đến năm 2023, Bình Dương sẽ có 5 thành phố gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên. Thông tin này ngay lập tức tạo nên những hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS khu vực Tân Uyên và Bến Cát.
Bình Dương sẽ có thêm 2 thành phố: Tân Uyên và Bến Cát
Tham chiếu với tiền lệ của TP. Dĩ An và Thuận An, giá nhà đất 2 khu vực này cũng đã tăng rất nhanh trước thời điểm lên thành phố. Cụ thể, Năm 2018-2019 giá đất Dĩ An chỉ khoảng 30 triệu/m2, sau khi lên thành phố đã tăng 45-50 triệu/m2. Thuận An cũng từ mức 25-35 triệu/m2 vượt lên đến 40-50 triệu/m2, nhà phố liền kề thậm chí đạt mức 60-70 triệu/m2. Xu hướng này được các chuyên gia khẳng định sẽ tiếp tục diễn ra với thị trường Tân Uyên trong vài năm tới. Bởi hiện nay, giá nhà đất khảo sát tại Tân Uyên dao động ở mức 22 – 25 triệu/m2 đối với khu vực trung tâm và 12 – 15 triệu/m2 đối với khu vực xa trung tâm, dư địa tăng giá còn rất lớn so với tiềm năng khu vực.
Bên cạnh đó, việc định vị là đô thị vệ tinh với vai trò là trung tâm phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ của thành phố thông minh Bình Dương, Tân Uyên cùng với Bến Cát đang được tỉnh tăng cường đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, đô thị hướng tới thành lập thành phố theo đúng lộ trình. Điều này sẽ kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh hơn, nhu cầu nhà ở ngày càng lớn hơn.
Với những yếu tố kể trên, cùng nền tảng hạ tầng đã và đang được đầu tư bài bản, phân khúc bất động sản liền kề khu công nghiệp tại Tân Uyên vẫn đang được nhiều nhà đầu tư nhắm đến. Mặc dù trong ngắn hạn, thị trường bất động sản nói chung đang giảm nhịp theo chỉ thị giãn cách của chính phủ nhưng khi dịch bệnh qua đi, thị trường như chiếc lò xo bị nén, sẽ bật lên mạnh mẽ.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế