Thu nhập bình quân đầu người Việt “nhảy” lên 3.000 USD/năm theo cách tính mới sẽ tạo ra tác động gì?
Tổng cục Thống kê gần đây cho biết đã hoàn tất và sắp sửa công bố cách tính GDP mới. Theo đó, GDP bình quân đầu người có thể tăng thêm gần 400 USD.
Với cách tính hiện nay, GDP đầu người Việt Nam chưa tới 2.600 USD/năm. Tuy nhiên, con số này sẽ thay đổi trong thời gian tới, đạt khoảng 3.000 USD theo cách tính mới của Tổng cục Thống kê.
Khi đưa ra thông tin này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tạm thời chưa tiết lộ số liệu cụ thể về quy mô GDP nền kinh tế Việt Nam theo phương pháp mới.
Trước thông tin này, TS. Bùi Trinh cho rằng có khả năng kinh tế ngầm đã được đơn vị này đưa vào trong phương pháp tính GDP. Việc tính thêm khu vực này, theo ông Trinh, chỉ có lợi cho báo cáo thành tích tăng trưởng. Ông lưu ý về việc khi GDP tăng cao thì tỷ lệ bội chi và nợ công trên GDP giảm trong khi thực tế con số tuyệt đối về nợ công, bội chi vẫn như cũ. Ông Trinh gọi đây là thành tích “ảo”.
Mặt khác, vị chuyên gia này cho rằng nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP sẽ phủ nhận toàn bộ các chỉ số tính GDP trước đó. Việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế ngầm cũng còn nhiều vấn đề phực tạp, khó kiểm soát do đó có thể khiến con số thống kê không chính xác dẫn đến chính sách đưa ra bị sai lệch, theo ông Trinh.
Trao đổi trên truyền thông, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết mức tăng GDP bình quân theo con số mới tăng khoảng 15,8%. Tạm tính với dân số khoảng 96 triệu người, quy mô nền kinh tế sẽ từ 249 tỷ USD lên 289 tỷ USD, tức tăng 40 tỷ USD. Nợ công cũng sẽ giảm từ 58,4% xuống còn dưới 40%. Do vậy, ông Thế Anh cho biết nếu phương pháp tính GDP này được thế giới công nhận thì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam có thể được nâng lên.
Mặt khác, thâm hụt ngân sách trên GDP cũng giảm. Với hạn mức thâm hụt 3,6% GDP hiện nay, Chính phủ sẽ được phép vay thêm 1,44 tỷ USD để chi tiêu trong năm 2019. Các năm sau cũng sẽ tăng thêm theo quy mô GDP được điều chỉnh.
Ông Thế Anh cho rằng cách tính mới này sẽ là một rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng của GDP mới. Đơn cử như việc duyệt thâm hụt ngân sách bằng 3,6%, nếu không thay đổi chỉ tiêu này, Chính phủ sẽ được thoải mái hơn trong việc chi tiêu.
“Vấn đề đặt ra là khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu và các ngưỡng an toàn của chỉ tiêu có được điều chỉnh theo hay không. Nếu không, người ta sẽ rất lo ngại”, ông Thế Anh nói.
Ý Yên (Tổng hợp)
Theo Nhịp sống kinh tế