Tín hiệu tích cực trên thị trường bất động sản
(Tổ Quốc) – Với loạt tín hiệu tích cực như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, hoạt động đầu tư công, sự điều chỉnh kịp thời… thị trường bất động sản được dự báo lạc quan trong giai đoạn cuối năm 2022, bước sang năm 2023.
Thị trường có dấu hiệu chậm nhịp nhưng các chuyên gia cho rằng, đây là sự điều chỉnh kịp thời sau khoảng thời gian nhiều biến động.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa phân tích, nếu theo diễn biến bình thường thì đến năm 2023, thị trường sẽ có điều chỉnh. Nhưng hiện nay, thị trường xuất hiện các vấn đề như trái phiếu Tân Hoàng Minh, các cuộc đấu giá bất động sản, việc làm giá cổ phiếu hay siết trái phiếu bất động sản… Vô tình bất động sản đang được tự điều chỉnh từ từ.
“Trong cái dở có cái hay như vậy. Đúng ra là năm sau thị trường bất động sản gặp khó khăn. Nhưng vô tình lại xuất hiện hiện tượng trên nên thị trường địa ốc được điều chỉnh một cách sớm hơn trong thời gian tới”, ông Quang nói.
Theo vị chuyên gia này, nhờ sự điều chỉnh sớm mà thị trường địa ốc cũng sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Đánh giá về diễn biến của thị trường địa ốc hiện tại, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, dù phải đối mặt với nhiều thách thức song tín hiệu tích cực vẫn lớn.
Cụ thể, theo ông Lực, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng phục hồi tốt hơn. Vị chuyên gia này cho rằng, người dân sẽ khó có thể mua nhà khi kinh tế tăng trưởng âm, mất việc làm và giảm thu nhập. Ông Lực nhận định, năm ngoái kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn thế giới do tập trung phòng chống dịch quyết liệt với biến thể delta trong quý II, III.
Quý III/2021 tăng trưởng âm 6%, đến quý IV Chính phủ phải điều chỉnh chiến lược với nghị quyết 128 nên kinh tế đã hồi phục trở lại. Kịch bản năm nay kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8-7,1%, như vậy mức 7% là khả thi.
TS. Lực còn chỉ ra một số tín hiệu tích cực khác góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc như Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; Chiến lược Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội…
Ngoài ra thị trường địa ốn còn đón dòng vốn dồi dào. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, vốn vào bất động sản khoảng 420.000 tỷ đồng và dự báo đến cuối năm, con số này lên tới 800.000 tỷ đồng. Dòng vốn này được ví như “nguồn nhựa sống” quan trọng giúp thị trường địa ốc phục hồi và tăng trưởng.
Một chỉ số lạc quan khác mà TS. Lực kỳ vọng đó là việc tháo gỡ vấn đề pháp lý. Nếu việc này được thực hiện thì có hàng nghìn dự án bất động sản được giải tỏa, hàng tỷ đô đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bổ sung vài trăm nghìn việc làm…
Ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cũng nhận định rằng, có nhiều yếu tố khiến chúng ta tiếp tục lạc quan về thị trường.
Theo ông David Jackson, về mặt chính sách, việc các cơ quan chức năng có những quyết sách cụ thể tiếp theo ra sao với việc siết tín dụng bất động sản sẽ có tác động quan trọng bậc nhất với những diễn biến của phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và bất động sản nghỉ dưỡng. Các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn “chảy” nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết. Những chính sách như vậy sẽ từng bước khiến cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế nói chung phát triển ổn định và bền vững hơn.
Các chính sách điều chỉnh này sẽ còn đảm bảo sự cân bằng giữa việc duy trì sự năng động của thị trường bất động sản, ngăn chặn nguy cơ hình thành “bong bóng” và đáp ứng nhu cầu thực có ý nghĩa lớn trong việc ổn định thị trường vĩ mô để tiếp tục hướng đến các mục tiêu chung cho toàn xã hội.
Chung quan điểm về tín hiệu lạc quan về thị trường bất động sản, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2022-2023, cùng với sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế, đầu tư công… rõ ràng, nguồn cung các sản phẩm bất động sản sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp đầu tư nên có sự chuẩn bị để có nguồn cung chất lượng đưa ra thị trường. Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về mặt thủ tục đầu tư, xây dựng để tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Các quy hoạch tại từng khu vực, địa phương nên được công khai minh bạch để giảm thiểu tình trạng đầu cơ, thổi giá. Việc xây dựng các kho lưu trữ về quy hoạch cũng như tính ổn định của quy hoạch rất quan trọng. Nên nếu như công khai quy hoạch ngay từ đầu thì tính ổn định sẽ tăng lên, không còn chuyện xin – cho dẫn đến điều chỉnh quy hoạch một cách vô tội vạ.
Cần có cơ sở thông tin dữ liệu về thị trường bất động sản để các đối tượng tham gia vào thị trường có thể nắm rõ, thị trường sẽ luôn được ở trong giá trị thực, không còn tình trạng làm giá, thổi giá gây xáo trộn.
Vị chuyên gia này nhận định, loạt tín hiệu tích cực này sẽ giúp thị trường địa ốc chuyển động lành mạnh và minh bạch.
Trên góc nhìn của doanh nghiệp tham gia trực diện vào thị trường, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group chỉ ra có 4 yếu tố tác động tích cực đến thị trường. Các yếu tố này bao gồm: kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn FDI tăng cao; dịch bệnh được khống chế, người dân được di chuyển thuận lợi, khả năng tiếp cận, tham gia thị trường dễ dàng hơn; du lịch hồi phục; đầu tư công được đẩy mạnh.
Việt Khoa
Nhịp sống kinh tế