Nhà ở xã hội vào tay… nhà giàu
Hà Nội mới đây xôn xao thông tin, hình ảnh không ít người đi ôtô đến xếp hàng bốc thăm mua nhà ở xã hội.
Chuyện ngỡ như đùa nhưng có thật ở buổi bốc thăm chọn người trúng suất mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Dự án này có nhiều loại căn hộ, trong đó, 275 căn hộ với diện tích 69 – 88 m2 là nhà ở xã hội. Dù là nhà ở xã hội song dự án nằm ở vị trí khá đắc địa, nơi có nhiều dự án nhà thương mại với giá vài chục triệu đồng mỗi mét vuông. Thế nên, có hàng ngàn người tới xếp hàng để bốc thăm chọn suất mua căn hộ nhà ở xã hội.
Việc số lượng người tới bốc thăm mua nhà ở xã hội cũng bình thường với những dự án nằm ở vị trí đắc địa như dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Thế nhưng, có những cảnh tượng không bình thường đập vào mắt người ta. Tiếng là bốc thăm suất chọn người mua nhà ở xã hội vốn dành cho đối tượng người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, song lại thấy nhiều người đi “xế hộp”, có chiếc tiền tỉ, tới để bốc thăm.
Cảnh tượng không bình thường tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn không phải hiếm. Trước đó, hình ảnh người đi ôtô tới xếp hàng mua nhà ở xã hội từng không ít lần gây xôn xao dư luận.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà từng xuất hiện không ít thông tin, dư luận về việc nhà ở xã hội không đến tay đúng đối tượng là người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở mà “lạc” vào người có điều kiện khá giả, thậm chí vào tay đối tượng đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời. Ngay khi dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mở bán đã xuất hiện thông tin cho rằng có “cò” rao bán căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này với giá 19 triệu đồng/m2 cộng thêm khoản “chênh” ngoài hợp đồng.
Trước đó, một chủ doanh nghiệp bất động sản từng dẫn một thống kê cho thấy cứ 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì đi hết, chỉ còn 20% ở. Tức là, theo vị này, nhà ở xã hội đang giao cho không đúng đối tượng. Vào năm 2020, một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng từng chỉ ra những trường hợp không đúng đối tượng mua nhà ở xã hội.
Nhằm bịt những kẽ hở có thể lợi dụng để thực hiện những hành vi mua bán trục lợi nhà ở xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đang hoàn thiện quy định pháp lý. Trong đó có những quy định cụ thể về hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định với biện pháp khắc phục hậu quả mạnh tay là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Với việc gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội triển khai trong thời gian tới thì việc hoàn thiện khung pháp lý cũng như kiểm tra, giám sát việc mua bán nhà ở xã hội càng trở lên cần thiết để tránh nhà dành cho đối tượng thu nhập thấp lại vào tay nhà giàu.
Theo Phan Đăng
Người lao động