Chi phí cấp “sổ đỏ” sẽ tăng sau năm 2023?
Quy định bỏ khung giá đất trong dự thảo Luật Đất đai có thể sẽ đẩy chi phí cấp “sổ đỏ” gia tăng.
Luật Đất đai hiện hành quy định, khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm 1 lần, căn cứ khung giá đất của Chính phủ, các tỉnh thành ban hành Bảng giá đất. Bảng giá đất này là căn cứ để tính tiền sử dụng đất, các khoản phí và lệ phí khác khi làm “sổ đỏ”.
Theo thảo Luật Đất đai sửa đổi, khung giá đất bị bãi bỏ. Điều 154 của dự thảo quy định, bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ 1-1 của năm.
Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành.
Bảng giá đất được xây dựng theo vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Nếu Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào cuối năm nay, khung giá đất không còn tồn tại, các địa phương được tự ban hành bảng giá đất mà không cần phải đảm bảo không thấp hơn, không cao hơn khung giá đất. Dự thảo Luật mới còn cho phép địa phương được xây dựng, điều chỉnh định kỳ bảng giá đất 1 năm một lần, thay vì 5 năm như hiện tại. Việc sửa đổi quy định liên quan đến khung giá đất nhằm đưa giá đất trở về sát giá thị trường, tránh trường hợp thất thu trong chuyển nhượng và làm thủ tục “sổ đỏ”. Điều này cũng đồng nghĩa, khi mức định giá đất tăng, các chi phí làm “sổ đỏ” như tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, ngay cả chi phí chuyển nhượng sang tên cũng sẽ gia tăng theo.
Ngoài ra, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất hoàn thiện quy định về công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 137). Có thể thấy đây là nội dung được rất nhiều người dân quan tâm.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 nhưng không có các giấy tờ quy định tại điều 135 của luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thì nay sẽ được được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp “sổ đỏ” và không phải nộp tiền sử dụng đất .
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại điều 135 của luật Đất đai (sửa đổi) nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì được cấp sổ đỏ nếu có các điều kiện: Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai; Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không được cấp sổ hồng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì được Nhà nước ghi nhận là người đang sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời quản lý đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ…Như vậy, Dự thảo đã loại bỏ trường hợp lấn, chiếm đất và trường hợp này sẽ không được công nhận quyền sử dụng đất.
Triệu Vương (TH)
Nhịp sống thị trường