Đất ‘quy hoạch treo’, người dân được phép xây nhà mới

haland

Theo Luật xây dựng sửa đổi, từ ngày 1/1/2021, người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu đất vẫn thuộc diện “quy hoạch treo” trên 3 năm.

“Quy hoạch treo” được hiểu là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, ghi trong kế hoạch sử dụng đất cho một hoặc nhiều mục đích khác nhau, đã có công bố sẽ thu hồi để thực hiện kế hoạch nhưng vẫn không thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch.

Có đất nằm trong diện “quy hoạch treo” từ lâu đã trở thành nỗi ảm ánh đối với người dân, khiến cuộc sống của họ khổ trăm bề. Nhiều hộ dân rơi vào tình trạng muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, xin phép xây dựng nhà… nhưng không thể thực hiện do “vướng” quy hoạch.

Từ ngày 1/1/2021, người dân có thể xây nhà mới trên đất ‘quy hoạch treo’. Trong ảnh: Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Xuân La (quận Tây Hồ) sau chục năm vẫn chưa triển khai. Ảnh: Lâm Vỹ.

Để ngăn chặn tình trạng này, Quốc hội ban hành Luật số 62/2020/QH14 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trong đó, cho phép người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu phần đất thuộc diện ‘quy hoạch treo’ quá lâu trên 3 năm.

Cụ thể, tại mục 5 (khoản 33, Điều 1) của Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 94 Luật Xây dựng về “Điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời” quy định, trường hợp sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Luật số 62 cũng quy định, điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn gồm: Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phù hợp với quy mô công trình do UBND cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn;

Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai…

Theo Lâm Vỹ

Tiền phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *