Thông tin tổng quan về huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương

Bắc Tân Uyên là huyện mới của tỉnh Bình Dương có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ cùng với chính sách quy hoạch rõ ràng, công nghiệp phát triển mạnh. Với lợi thế sẵn có, Bắc Tân Uyên được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp và khu đô thị sinh thái kiểu mẫu của Bình Dương.

Vị trí địa lý


Vị trí huyện Bắc Tân Uyên (ảnh: Wikimedia)

Huyện Bắc Tân Uyên nằm ở phía Đông tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 34km về phía Đông Bắc. Huyện có vị trí địa lý:

  • Phía Đông và phía Nam giáp huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai
  • Phía Tây giáp thị xã Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng
  • Phía Bắc giáp huyện Phú Giáo

Lịch sử hình thành huyện Bắc Tân Uyên

Huyện Bắc Tân Uyên được thành lập vào ngày 29/12/2013 theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở 10 xã còn lại của huyện Tân Uyên cũ gồm Thường Tân, Tân Mỹ, Tân Lập, Tân Định, Lạc An, Hiếu Liêm, Đất Cuốc, Bình Mỹ, Tân Thành, Tân Bình.

Khi mới thành lập, Bắc Tân Uyên có diện tích tự nhiên 40.087,67 ha, dân số 58.439 người với 10 xã trực thuộc, có huyện lỵ đặt tại xã Tân Thành.

Ngày 11/7/2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 535/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Tân Thành là thị trấn huyện lỵ của Bắc Tân Uyên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Thành cũ.

Ngày 9/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1110/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Tân Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Bình cũ.

Kể từ đó, huyện Bắc Tân Uyên có 2 thị trấn và 8 xã như hiện nay.

Hành chính

Huyện Bắc Tân Uyên có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 2 thị trấn: Tân Thành (huyện lỵ), Tân Bình và 8 xã: Thường Tân, Tân Mỹ, Tân Lập, Tân Định, Lạc An, Hiếu Liêm, Đất Cuốc, Bình Mỹ.

Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và nhà ở ngày 1/4/2019, huyện Bắc Tân Uyên có quy mô dân số 66.656 người, mật độ dân số là 166 người/km2.


Một góc thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên

Một số trường học tiêu biểu tại Bắc Tân Uyên như:

  • Cấp tiểu học: Trường tiểu học Tân Định, Trường tiểu học Bình Mỹ, Trường tiểu học Thường Tân, Trường tiểu học Tân Lập…
  • Cấp trung học cơ sở: THCS Tân Mỹ, THCS Lạc An…
  • Cấp trung học phổ thông: THPT Tân Bình, THPT Thường Tân…

Hệ thống y tế tại huyện Bắc Tân Uyên:

  • Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên
  • Trạm y tế xã Tân Bình
  • Trạm y tế xã Thường Tân
  • Trạm y tế xã Tân Mỹ

Cơ sở hạ tầng

Là huyện mới của tỉnh Bình Dương, Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ, bám sát vào trục đường huyết mạch Vành đai 4 hướng Đông – Tây của tỉnh Bình Dương và huyện Bắc Tân Uyên.

Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 4 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 73,02km. Trong đó, đường tỉnh ĐT747a được tỉnh Bình Dương đầu tư nâng cấp, mở rộng và đã đưa vào sử dụng với quy mô 4 làn xe. Huyện cũng đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường DT746 đoạn từ Cầu Gõ (Tân Mỹ) đến bến đò Hiếu Liêm và đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa.

Ngoài ra còn có 10 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 59,7km, đã thực hiện nâng cấp, mở rộng với kết cấu bê tông nhựa. Cụ thể, tuyến đường ĐH411 được Bình Dương đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với chiều dài 12,171km, quy mô 6 làn xe với tổng kinh phí đầu tư 558,193 tỷ đồng; đường ĐH414 có chiều dài 7,74km được huyện Bắc Tân Uyên đầu tư với tổng kinh phí 26,812 tỷ đồng; đường ĐH415 được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí 29,8 tỷ đồng; đường ĐH429 được đầu tư mới với tổng kinh phí 425 tỷ đồng…

Huyện cũng đang tiếp tục đầu tư nhiều công trình mới như vành đai 4, vành đai trong, tuyến metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên… Sắp tới còn có thêm tuyến cao tốc TP.HCM – Lộc Ninh đi qua Bắc Tân Uyên. Đây được coi là động lực chính trong phát triển kinh tế – xã hội của toàn huyện và là điểm tựa cho thị trường BĐS phát triển.

Chính quyền Bắc Tân Uyên đang chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Hạ tầng kinh tế – xã hội của Bắc Tân Uyên cũng từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Hiện tại, 100% các xã trên địa bàn huyện đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Quy hoạch đô thị

Bắc Tân Uyên đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu đã thông qua, tiêu biểu như quy hoạch khu dân cư – tái định cư xã Lạc An, khu dân cư Ấp 4 (giai đoạn 1), khu dân cư Suối Tre (giai đoạn 1), khu dân cư Tái định cư Tân Mỹ, quy hoạch 10 xã nông thôn mới.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025, Bắc Tân Uyên được định hướng thành đô thị sinh thái kiểu mẫu tại Bình Dương. Cụ thể, huyện sẽ xây dựng công viên hồ Đá Bàn gắn với Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ với diện tích 30 ha. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương cũng ban hành Quyết định 177/QĐ-UBND về việc xây dựng khu trung tâm hành chính – tái định cư Bắc Tân Uyên với quy mô 595,42 ha, trong đó 544,43 ha là diện tích mở rộng trung tâm và 50,99 ha dành cho trung tâm hành chính – tái định cư. Đây được coi là động lực quan trọng giúp Bắc Tân Uyên phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.


Bản đồ quy hoạch huyện Bắc Tân Uyên

Về quan điểm và mục tiêu quy hoạch Bắc Tân Uyên giai đoạn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070, huyện tiếp tục cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương; cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng các huyện nông thôn mới trên cơ sở khai thác thế mạnh sẵn có; cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu định hướng phát triển không gian vùng huyện, phân vùng kinh tế, hệ thống dân cư đô thị và nông thôn, đồng thời bố trí cơ sở hạ tầng và xã hội phù hợp với các giai đoạn phát triển đã đề ra.

Tình hình thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản Bắc Tân Uyên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển khi đây là một trong 4 huyện của tỉnh có tốc độ kinh tế phát triển hàng đầu cả nước. Nhờ giáp ranh với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, được sông Đồng Nai và sông Bé bao bọc mà địa phương này phát triển cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp. Quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện có diện tích khoảng 26 nghìn ha, chiếm hơn 65% diện tích đất tự nhiên và có thể được chuyển đổi sang đất khu công nghiệp và để hình thành các khu công nghiệp tập trung.

Bên cạnh đó, đường vành đai 4 với chiều dài 197,6km đi qua 5 tỉnh là tuyến đường huyết mạch của Bắc Tân Uyên dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025 cũng là một động lực phát triển kinh tế xã hội của huyện và của cả tỉnh Bình Dương. Hiện, huyện đứng vị trí thứ 3 trong 4 huyện của tỉnh Bình Dương có mật độ dân số cao và dân số vẫn có dấu hiệu tăng mạnh qua từng năm khiến nguồn cầu về nhà ở càng gia tăng.

Bắc Tân Uyên hiện đang thu hút 466 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đầu tư 7.809,5 tỷ đồng. Theo quy hoạch đã duyệt, sau năm 2020, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện có tổng diện tích khoảng 2.208 ha với 5 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp KSIP-KSB có quy mô gần 350 ha, được đầu tư hơn 4.000 tỷ, quy hoạch mở rộng lên 550 ha. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai dự án khu công nghiệp VSIP 3 rộng 1.000 ha với tổng mức đầu tư 6.407 tỷ, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản công nghiệp nơi này, khiến giá bất động sản tăng 30-50% so với năm 2017. Nhiều dự án khu đô thị cũng được hình thành như khu thương mại dịch vụ Tân Uyên Business Cente, khu nhà ở Bình Mỹ 2, Tân Lập Garden Bình Dương… Khảo sát cho thấy, đất nền tại huyện Bắc Tân Uyên đang được rao bán với giá dao động 9-12 triệu đồng/m2, chênh lệch rất lơn so với các khu vực khác cùng tỉnh như Thuận An 30-40 triệu đồng/m2.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *