Tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất cả nước là địa phương duy nhất có tỷ lệ thuê nhà cao hơn sở hữu nhà riêng
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 88,1% hộ gia đình sở hữu nhà riêng, 11,4% hộ dân cư phải đi thuê mượn của nhà nước, cá nhân hoặc tư nhân, 0,3% hộ dân cư ở nhà tập thể.
Trên cả nước, khu vực thành thị có tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng thấp hơn với chỉ 77,9%, trong khi tỷ lệ này của khu vực nông thôn là 93,6%. Tỷ lệ hộ đi thuê nhà ở nông thôn rất thấp, chỉ đạt 6,1%. Trong khi đó, tỷ lệ đi thuê nhà ở thành thị đạt tới 21,4%, cao gấp gần 4 lần tỷ lệ ở nông thôn.
Xét theo từng vùng kinh tế – xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ dân cư sở hữu nhà riêng cao nhất cả nước với 95,9%, cao gấp 1,4 lần so với vùng có tỷ lệ thấp nhất là Đông Nam Bộ. Trong khi đó, vùng có tỷ lệ hộ dân phải đi thuê mượn nhà cao nhất là Đông Nam Bộ với 30,4%.
Sơn La là tỉnh có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà riêng cao nhất cả nước với 98,5%, cao gấp hơn 2 lần địa phương có tỷ lệ thấp nhất là Bình Dương.
Tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng và phải đi thuê nhà của 10 địa phương cao nhất và thấp nhất. Nguồn: GSO
Đối với tỷ lệ hộ đi thuê mượn nhà của nhà nước, cá nhân hay tư nhân, Sơn La cũng là tỉnh có tỷ lệ thấp nhất với chỉ 1,3%, trong khi Bình Dương là địa phương có tỷ lệ cao nhất, lên đến 55,8%.
Nhìn chung, các tỉnh thành trên cả nước đều có tỷ lệ hộ sở hữu nhà cao hơn so với tỷ lệ hộ gia đình phải đi thuê nhà. Tuy nhiên, kết quả điều tra chỉ ra, Bình Dương là địa phương duy nhất trên cả nước có xu hướng ngược lại, tức là tỷ lệ hộ gia đình đi thuê mượn nhà cao hơn tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng.
5 địa phương có TNBQ đầu người cao nhất và 5 địa phương có TNBQ đầu người thấp nhất năm 2020. Đơn vị: triệu đồng/tháng (Nguồn: GSO)
Một cuộc khảo sát khác của Tổng cục Thống kê cho thấy, Bình Dương cũng là tỉnh có thu nhập bình quân (TNBQ) đầu người cao nhất cả nước với hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng tại tỉnh này lại thấp nhất cả nước với hơn 43% và tỷ lệ hộ phải đi thuê nhà cao nhất cả nước với hơn 55%.
Trong khi đó, những tỉnh thành có mức TNBQ đầu người ở top dưới lại là những tỉnh thành có tỷ lệ sở hữu hộ nhà cao hơn và ngược lại. Những địa phương có mức TNBQ đầu người cao lại có tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng thuộc top dưới.
Ví dụ như, Điện Biên và Sơn La có mức TNBQ đầu người thấp nhất cả nước với chỉ 1,7 triệu đồng/tháng nhưng tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng của 2 địa phương này khá cao, lần lượt là 96,8% và 98,5%. Tỷ lệ hộ phải đi thuê mượn nhà ở 2 địa phương này lần lượt là 2,3% và 1,3%.
Ngược lại, ở các tỉnh thành có TNBQ đầu người cao hơn như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, tỷ lệ hộ sở hữu khá thấp. TP. Hồ Chí Minh có TNBQ đầu người đạt hơn 6,5 triệu đồng/tháng nhưng tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng tại thành phố này chỉ đạt gần 67% và tỷ lệ hộ phải đi thuê mượn nhà của nhà nước hoặc tư nhân đạt 32,4%.
Anh Ngọc
Theo Tổ Quốc