Thị trường bất động sản: Đua nhau đầu tư ngược
Về quê tậu đất
Chị Phạm Thị Trang, ngụ quận 2, TP HCM cho biết, vừa mua được 2.000 m2 đất tại huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An). Đây là huyện biên giới của tỉnh, từ trước tới nay không có gì hấp dẫn, giá đất chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, theo chị Trang, tuy đất ở nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng được ưu điểm là gần biên giới, còn vẻ đẹp hoang sơ, quan trọng là giá rẻ, không sợ bị mua hớ và không lo mua lầm giá ảo. “Tạm thời tôi chưa làm gì với khu đất này, nhưng biết đâu sau này khu cửa khẩu phát triển, giá có thể tăng gấp đôi, gấp ba”, chị Trang kỳ vọng.
Một nhà đầu tư khác là ông Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, vừa cùng nhóm bạn đi mua đất tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Giá chỉ vài trăm ngàn tới hơn 1 triệu đồng/m2, lô đất 1.000 m2 cũng chỉ ngót 1 tỷ đồng, chính vì vậy mà có thể mua rồi để đó đợi khi giá đất lên chút thì bán ra.
“Nhiều năm nay, tôi và nhóm bạn hơn 10 người đều đầu tư kiểu trên. Trước đây, những năm 2010, chúng tôi đã thành công khi đầu tư như vậy ở các huyện ngoại thành TP HCM. Tại thời điểm năm 2011, khi thị trường bất động sản đi xuống, tôi mua đất khu vực quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè… khi đó giá đất khá rẻ. Tới năm 2015, 2016 khi giá đất tăng gấp nhiều lần, tôi bắt đầu bán ra và thu lợi nhuận khá cao”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Lê Thuần, một nhà đầu tư bất động sản tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) kể, tháng 10/2018 ông mua lô đất 4 ha tại huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) với giá chỉ khoảng 600.000 đồng/m2.
“Khi mua đất khu vực heo hút, nhiều người trong gia đình phản đối vì cho rằng mua đất ở nơi xa thì không an toàn và sẽ khó có lời. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định xuống tiền vì Ninh Thuận mai này sẽ phát triển mạnh, nhất là du lịch biển. Tôi chấp nhận mua đất xa vì còn rẻ, sau này giá nhất định sẽ tăng mạnh”, ông Thuần tự tin.
Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ lùng mua đất ở những nơi heo hút, mà các doanh nghiệp địa ốc cũng đang chuộng buôn đất vùng sâu vùng xa.
Hàng loạt công ty địa ốc đang hoạt động tại TP HCM đã không ngại khoảng cách vài trăm km, sẵn sàng dịch chuyển về những địa phương hẻo lánh của Long An, Vĩnh Long, thậm chí xa hơn là Bình Phước, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định để gom đất quy mô từ trung bình đến lô lớn để phát triển dự án. Điều này đã tác động không nhỏ đến việc đẩy mặt bằng giá đất tại các vùng xa xôi tăng lên so với trước đây.
Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ lùng mua đất ở những nơi heo hút, mà các doanh nghiệp địa ốc cũng đang chuộng buôn đất vùng sâu vùng xa. |
Ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Cát Tường Đức Hòa xác nhận, xu hướng săn lùng, mua gom đất ở những địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa ngày càng rầm rộ trong giới đầu tư địa ốc phía Nam. Trong đó, công ty ông Vũ đã mua đất tận Bình Phước, Long An…
Theo ông Vũ, giới buôn bất động sản đều hiểu rằng, vị trí đất ở các đô thị đông dân dễ có lãi, tính thanh khoản cao, nhưng quỹ đất ngày càng hiếm, giá cả đã đạt đỉnh, trong khi săn đất vùng sâu vùng xa tuy đi “ngược chiều”, song giá rẻ, tiềm năng tăng giá còn lớn.
“Chúng tôi đã thành công với dự án Cát Tường Phú Hưng tại tỉnh Bình Phước khi mua gần 50 ha đất tại đây để phát triển dự án bất động sản. Hiện chúng tôi tiếp tục nhắm tới quỹ đất ở các tỉnh xa để phát triển dự án”, ông Vũ cho biết.
Và lưu ý cho nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding, một nhà đầu tư đang săn đất tỉnh lẻ cho rằng, ngoài việc giá đất tỉnh lẻ khá rẻ, thì thủ tục pháp lý nhà đất tại những địa bàn chưa phát triển này làm rất nhanh chóng, dễ dàng hơn đất ở trung tâm các đô thị, thành phố lớn.
Bên cạnh đó, vùng sâu vùng xa không bị ô nhiễm khói bụi công nghiệp, không có cảnh kẹt xe và tiếng ồn. Nhờ môi trường sống lý tưởng, các vị trí này có tiềm năng làm second home phục vụ gu du lịch trải nghiệm, khám phá nếu gần biển, núi rừng, hoặc có vườn tược bao quanh.
“Đất vùng sâu vùng xa còn nhiều cơ hội kết nối hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội trong bối cảnh kết cấu hạ tầng của Việt Nam đang có những chuyển biến lớn. Số lượng các dự án đường cao tốc, sân bay, đường sắt tăng lên theo thời gian. Đây là một cuộc cách mạng về không gian cho bất động sản vùng sâu vùng xa nhờ kết nối nơi thừa và nơi thiếu. Không ít nhà đầu tư ôm đất ở nơi heo hút, chấp nhận chôn vốn 5 – 10 năm để chờ đợi cú hích hạ tầng. Do đó, với giới buôn đất, ôm hàng rẻ chờ cơ hội là suất đầu tư được nhiều hơn mất nếu xét theo tầm nhìn dài hạn”, ông Hậu nhận định.
Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, không phải cứ đầu tư về tỉnh lẻ là an toàn, mà cũng có những khó khăn nhất định cho nhà đầu tư. Đó là rất khó xác định khoảng thời gian nào sẽ là điểm rơi của chu kỳ tăng trưởng giá trị, giúp giá đất tăng lên như kỳ vọng.
Các yếu tố như phát triển hạ tầng kết nối, các siêu dự án nằm lân cận cũng mang tính tương đối vì không ai bảo chứng cho kịch bản màu hồng.
Ngoài ra, việc chôn vốn lâu có thể khiến người ôm đất đánh mất những cơ hội đầu tư khác. Xét cho cùng, đầu tư là chọn lựa một trong hai bài toán: một là lợi nhuận thấp nhưng an toàn, hai là lợi nhuận lớn kèm với rủi ro cao. Người đi buôn và săn đất tùy vào dòng tiền và khả năng chịu sức ép lớn đến đâu, để có quyết định riêng cho từng tình huống.
Tuy nhiên, một thực tế làm vững tin nhà đầu tư, đó là cho tới nay chưa ghi nhận trường hợp nhà đầu tư nào đổ vốn về “nhà quê” bị thất bại.
Thị trường bất động sản TP HCM sụt giảm mạnhTheo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2019 sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng cung bất động sản nhà ở đạt 10.715 sản phẩm, bằng 39,1% so với cùng kỳ năm 2018; lượng giao dịch bất động sản đạt 8.560 sản phẩm, bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2018. |
Nguồn: ndh.vn