Giới đầu tư “cá mập” tạo sóng bất động sản như thế nào

Đằng sau những cơn sốt đất bất ngờ, những lần lên giá với tốc độ chóng mặt tại một số thị trường là sự chèo lái của đội “cá mập”.

Với một số nhà đầu tư có nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, chinh chiến ở các thị trường, họ khá quen với sự xuất hiện của đội “cá mập”. Một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội chia sẻ : “Bạn đừng tưởng chỉ có thị trường chứng khoán mới xuất hiện “cá mập”, hay “đội lái”. Trong bất động sản, đội “cá mập” còn hoàn tráng và triển khai rất chuyên nghiệp. Họ chuyên nghiệp là bởi vì đất là tài sản có giá trị vốn rất lớn, kén khách hơn thị trường chứng khoán”.

Nhà đầu tư này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, sốt đất, giá tăng bất thình lình đều đến từ đội “cá mập” này.  Theo lý giải của ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing, “cá mập” là đội ngũ các nhà đầu tư có vốn lớn. Họ dựa vào quy luật cung – cầu, giá cả của thị trường để tạo sóng cho những khu vực đã và đang xuất hiện 1 số thông tin được cho là “tốt” và “tích cực”.

Phân tích về cách tạo sóng của “cá mập”, ông Thắng nói, đầu tiên, họ sẽ tìm kiếm thị trường mới mà nơi đó có thể xuất hiện thông tin tốt. Những nhà đầu tư tay to sẽ bỏ tiền ra gom hàng. Để nâng giá được một thị trường, họ phải cùng nhau ôm một lượng lớn đất.

Chiến lược của họ là mua giá tăng dần. Hôm nay 2 triệu đồng/m2, hôm sau đẩy nhẹ lên 3 triệu đồng/m2. Với cách làm này cùng lượng lớn đất được giao dịch, tin đồn đất sốt dần xuất hiện, khiến người ta tin rằng giá đất đang lên nhanh, nếu không mua sẽ lỡ. 

Khi lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đổ về, “cá mập” sẽ bắt đầu đẩy hàng ra với mức giá tăng 30-50% thậm chí 100% so giá ban đầu. Điển hình như đất thổ cư ở xung quanh sân bay Long Thành có một khoảng thời gian sốt nóng xình xịch, giá tăng đột biến. Sốt đất nơi đây cũng đến từ đội “cá mập” đẩy giá.

“Mọi người thường nói, giá bị đẩy cao là do môi giới. Nhưng thực chất, môi giới đơn thuần không đủ vốn và hàng để làm giá thị trường. Thứ nhất, họ chỉ là môi giới giữa người bán và người mua. Thứ hai, đó không phải sản phẩm của họ. Sốt đất, giá lên là do đội “cá mập” vì họ mới là nhóm nắm giữ nguồn cung lớn” – ông Thắng nói.

Giới đầu tư cá mập tạo sóng bất động sản như thế nào? - Ảnh 1.

Cơn bão giá đất đến một phần từ chiêu trò của đội “cá mập”.

Ông P.D, một lãnh đạo công ty bất động sản tại Hà Đông thừa nhận, để nâng được giá thị trường, “cá mập” phải ôm được lượng hàng rất lớn. Họ phải mất từ 1-2 năm để lấy hàng, tìm hiểu thị trường. Sau đó, họ nhằm thời điểm hợp lý, dự đoán thông tin tốt xuất hiện, sẽ bắt đầu đẩy hàng.

“Một số “cá mập” có thể tạo ra sốt ảo bằng việc thuê nhiều xe ô tô đến thị trường, hỏi mua đất. Hiện tượng này khiến người dân tưởng là đất đang sốt đất thật nên truyền tai nhau thông tin. 

Một chiêu khác của “cá mập”, đó là để nâng giá đất, họ cho khoảng 5-10 môi giới gọi điện thoại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hay người dân, đưa ra một mức giá cao. Cứ trung bình 3 người đều trả một mức giá cao cũng tạo ra hiệu ứng trong tâm lý của người dân hay các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác rằng: đất đang lên giá. Suy nghĩ giá đất tăng lan mạnh, khiến đồng loạt người dân và “cá mập” tạo ra mức giá cao hơn so với mặt bằng trên thị trường” – vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ thêm.

“Thực tế, đối với mỗi thị trường, các nhà đầu tư thường có sự liên kết với nhau. Để “đánh” thị trường A, họ tập hợp những người đầu cơ sở hữu nhiều đất nhất. Họ cam kết để một giá và không cho phép người khác phá giá. Khi khách gọi điện cho 1 người, họ thấy giá cao nên chần chừ, đắn đo. Nhưng khi khách gọi tới 3-4 người, đều có mức giá tương tự, họ sẽ suy nghĩ, giá đất tăng thật, không mua sớm thì mai lại tăng tiếp. Đó cũng là một chiêu của những “cá mập”.

Theo nhận định của một số nhà đầu tư, đặc điểm của đội “cá mập” là phải am hiểu thị trường bất động sản khu vực này. Họ phải sở hữu nguồn cung sản phẩm lớn, đủ khả năng tạo ra sự tăng giá. 

Đặc biệt, không thể phủ nhận, đây là những nhà đầu tư lão luyện, sành sỏi, có thể nắm bắt sớm thông tin tốt về quy hoạch, hạ tầng. Họ là những người có tầm nhìn, chiến thuật nâng giá, hạ giá tốt. Họ có thể tạo ra sóng thị trường. Và nhà đầu tư “tay mơ” hay một số người dân chưa có nhiều kinh nghiệm dễ dàng dính “sóng”. Họ có thể thành công 2-3 thương vụ lời nhưng lại dễ dàng chôn vùi bởi sóng. Thế nên, cách tốt nhất để không “say sóng” là những nhà đầu tư nhỏ lẻ phải tỉnh táo trước một số địa phương có mức giá bất động sản tăng mạnh.

Mai Linh

Theo Nhịp sống kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *