Nhà ở xã hội: Doanh nghiệp, người có nhu cầu đều gặp khó
Là hai địa phương đi đầu nhưng vài năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) tại TPHCM và Bình Dương chững lại vì chủ đầu tư loay hoay gỡ vướng, trong khi người có nhu cầu khó tiếp cận.
Khởi công rồi… đắp chiếu
Giữa tháng 3/2022, Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức khởi công Khu NƠXH Định Hòa (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, sau hơn một năm, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng. Theo đại diện Becamex IDC, hiện nay Luật Đất đai đang trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi, chủ đầu tư phải chờ để điều chỉnh cho phù hợp.
Tại TPHCM, nhiều dự án NƠXH cũng đã được tổ chức khởi công, động thổ dịp 30/4 và 2/9 năm 2022 nhưng rồi chỉ để đấy. Đáng kể là dự án NƠXH phường Long Trường (TP.Thủ Đức), Khu nhà ở Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) dù động thổ cả năm nay nhưng dự án hiện vẫn chỉ là những bãi đất trống. Dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) hay dự án Khu nhà ở phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), dự án nhà ở Lý Tự Trọng (quận 1)… vẫn chỉ là những bãi giữ xe, chứa vật liệu xây dựng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (TPHCM) cho rằng, vướng mắc đầu tiên là việc điều chỉnh quy hoạch. Lấy ví dụ chính dự án của công ty mình, ông Nghĩa cho biết để điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng, doanh nghiệp phải mất đến 4 năm. Ngoài ra, thủ tục chấp thuận đầu tư cũng mất nhiều thời gian. Cụ thể, Công ty Lê Thành có 2 dự án NƠXH trên địa bàn TPHCM là Lê Thành An Lạc và Lê Thành Tân Kiên triển khai nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xong khâu thủ tục, dù chủ đầu tư đã “kêu” nhiều nơi.
Theo ông Nghĩa, vướng mắc tại các dự án của công ty liên quan đến miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất. “Theo quy định, dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất nhưng thay vì Nhà nước miễn luôn cho doanh nghiệp để nhanh chóng làm các bước tiếp theo thì TPHCM lại không làm như vậy. Cơ quan chức năng phải lập hội đồng, thuê đơn vị thẩm định xác định tiền sử dụng đất, sau đó mới ra quyết định miễn cho doanh nghiệp. Để làm xong bước này phải mất vài năm. Mặt khác, dự án không được cấp sổ hồng nên doanh nghiệp không thể cầm cố vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi theo quy định làm NƠXH là 4,8%/năm”, Giám đốc Công ty Lê Thành cho hay.
Theo ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Công ty Xây dựng Khang Gia Bình Dương, NƠXH nên ưu tiên đầu tư, bán ra giá rẻ. Để giảm giá thành NƠXH, thay vì xây dựng bê tông cốt thép, có thể làm nhà tiền chế với tổng diện tích 36m2 giá từ 100 triệu đồng/căn. Mô hình trên Becamex IDC từng triển khai với giá dưới 200 triệu đồng/căn, đáp ứng khả năng cho hầu hết mọi đối tượng.
Lãnh đạo một công ty bất động sản trên địa bàn TPHCM khẳng định với phóng viên rằng, nút thắt lớn nhất khiến chương trình xây dựng NƠXH, nhà lưu trú công nhân bị “tắc” chính từ thủ tục và chính sách nhiêu khê, chứ không phải doanh nghiệp chê không làm. Ông chia sẻ: “Doanh nghiệp tôi cũng dành 6 ha đất ở TP Thủ Đức để xây hàng ngàn căn NƠXH nhưng đã hơn 5 năm qua dự án không thể triển khai dù đã xong phần chấp nhận đầu tư, có quy hoạch 1/500. Lý do: Doanh nghiệp chưa được giao đất vì có một ít đất công là đất nhà xưởng cổ phần hóa đã từ lâu, đất nông nghiệp, đất kênh rạch…”.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong 18 dự án NƠXH đăng ký thì có 9 dự án khởi công, động thổ vào năm 2022 nhưng đều đang vướng các Luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai và pháp luật về tài sản công. Theo ông Quân, TPHCM đặt mục tiêu phát triển khoảng 35.000 căn NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân nhưng đến nay mới có 1 dự án hoàn thành với 260 căn.
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương Võ Hoàng Ngân cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, địa phương đã thu hút 82 dự án phát triển NƠXH, với tổng diện tích sàn nhà ở là 3,8 triệu m2, đáp ứng cho 238.325 người. Tuy nhiên trong giai đoạn 2016 – 2020, Bình Dương chỉ đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch đề ra. “Mặc dù tỉnh đã tập trung triển khai nhưng do khó khăn về cơ chế, chính sách, đất đai và nguồn vốn nên kết quả thực hiện vẫn chưa đạt”, ông Ngân thừa nhận.
“Sở Xây dựng đang tham mưu UBND TPHCM phân nhóm dự án và xác định trách nhiệm tháo gỡ của từng sở, ngành. Nếu giải quyết được khoảng trên 60 dự án thì sản phẩm đưa ra thị trường trong quý II và các tháng cuối năm 2023 sẽ có chuyển động”.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân
Nói dễ nhưng… khó tiếp cận
Anh Nguyễn Thái Bình, quê tỉnh Bình Định, đang làm việc tại Bình Dương chia sẻ, người lao động do thay đổi nơi làm việc, phải tạm trú nhiều nơi…nên khi đi xác nhận về điều kiện “chưa có nhà ở” gặp nhiều khó khăn. “Theo hướng dẫn, tôi đến hai nơi tạm trú để xin xác nhận chưa có nhà. Tuy nhiên các địa phương chỉ xác nhận tại thời điểm đó chưa có nhà trên địa bàn quản lý. Khi đến nộp hồ sơ mua nhà, tôi bị loại vì phải có xác nhận của cả cấp tỉnh, trong khi đến cấp tỉnh thì không được giải quyết, hồ sơ “đá” về cơ sở” – anh Bình nói.
Chị Trần Thị Tuyết, quê Nam Định, làm việc tại Công ty TNHH Hoàng Gia (Bình Dương) chia sẻ, đã từng nộp hồ sơ đăng ký mua NƠXH nhưng phải bỏ cuộc vì không có thời gian đeo bám. Chị Tuyết nói: “Tôi xin nghỉ hai ngày ở công ty để đi làm thủ tục xác nhận chưa có nhà, chứng minh đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Thế nhưng, sau hai tuần nộp hồ sơ đăng ký mua nhà tại dự án NƠXH Tân Thạnh (TP Dĩ An, Bình Dương), hồ sơ bị trả về với lý do hết chỗ. Cùng bộ hồ sơ như vậy, tôi đi đăng ký mua nhà ở một dự án khác nhưng cũng bị trả lại với lý do không đủ điều kiện, nhưng không được giải đáp rõ ràng là thiếu cái gì. Hai lần thất bại khiến tôi nản lòng”.
Không đề cập về thủ tục giải quyết hồ sơ mua nhà, nhưng anh Đoàn Văn Thanh (quê Nghệ An), làm việc tại một trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương băn khoăn về tài chính. “Mỗi căn NƠXH giá từ 1 đến 2 tỷ đồng, số tiền không hề nhỏ. Hầu hết những người muốn mua nhà theo hình thức này đều có thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Kể cả được hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, người mua cũng cần đóng trước một khoản tiền lớn, vượt khả năng tích lũy của nhiều người” – anh Thanh nói.
Theo Hương Chi – Duy Quang
Tiền phong